Quan sát & Bình luận

Không có điều gì là không thể

07:36, 06/08/2015 (GMT+7)

Diễn biến của cuộc xung đột ở Ukraine trong những tuần qua cho thấy đang có sự thay đổi đáng kể trên 3 phương diện: các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và phe ly khai giảm đáng kể; Kiev có những bước đi hướng tới việc trao quyền tự trị lớn hơn cho các tỉnh miền đông; sự phê phán của các nước phương Tây nhằm vào Nga không còn gay gắt… Đâu là nguyên nhân dẫn đến những biến chuyển này?

Trong chiến lược toàn cầu, các cường quốc đều có vai trò, vị trí và những lợi ích khác nhau, nhưng cũng không thể tự mình chi phối hay đứng ra giải quyết, nhất là những vấn đề mang tính an ninh và kinh tế lớn lao như: cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); vấn đề hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên; cuộc xung đột ở Trung Đông… Thậm chí như vấn đề Ukraine, không thể một quốc gia châu Âu, hay Liên minh châu Âu (EU) đứng ra làm đối trọng với Nga để giải quyết mà có sự tham gia của Mỹ và nhiều cường quốc khác cũng chưa hóa giải được vấn đề khi các lợi ích đan xen trong thế “cài răng lược”.

Trong khi đó, đối với những lợi ích căn bản khác có quy mô lớn hơn và vì các mục tiêu chính trị cao hơn thì tất yếu các cường quốc sẽ có những “thỏa hiệp” nhất định, mà Ukraine đang là một ví dụ được dư luận quốc tế quan tâm hiện nay.

Mới đây, trên tạp chí The Atlantic, nhà báo Mỹ Brian Whitm có bài phân tích cho rằng: Sau khi kích hoạt xung đột và đẩy Ukraine rơi vào nội chiến, sụp đổ kinh tế, Mỹ và EU nhận ra rằng vai trò của Ukraine không thể sánh với việc tạo lập mối quan hệ chính trị tương tác với Nga để hướng tới các mục tiêu cao hơn, nên đã có những thỏa thuận bí mật với Mátxcơva. Yếu tố nào để nhà báo Mỹ Brian Whitm đưa ra những nhận định đó?

Một là, chỉ ít giờ sau khi Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran hôm 14-7 tại Vienna (Áo), tờ New York Times đã có buổi phỏng vấn độc quyền 45 phút đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trước câu hỏi của phóng viên về việc Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga có đóng góp như thế nào đối với tiến trình đàm phán, ông Obama chia sẻ: “Nước Nga có đóng góp, tôi phải nói thật là như vậy. Ông Putin và chính phủ Nga có sự phân định về vấn đề này theo cách mà tôi cảm thấy ngạc nhiên thú vị. Chúng ta có lẽ đã không được thỏa thuận này nếu không có sự quyết tâm của Nga cùng với các thành viên khác trong P5+1”.

Hai là, 2 ngày sau đó, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đến Ukraine, thuyết phục các nghị sĩ Quốc hội nước này thông qua hiến pháp sửa đổi, trao quyền tự quản đặc biệt cho các khu vực ở Donetsk và Lugansk - điều mà Kiev bấy lâu luôn phản đối.

Có một sự thật là tin tức về Ukraine hiện không còn xuất hiện trên trang nhất của truyền thông quốc tế. Một số nhà bình luận người Ukraine xem chuyến đi của bà Nuland tới Kiev cùng nỗ lực thuyết phục các nghĩ sĩ bỏ phiếu thông qua dự luật này là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang “bán đứng” Ukraine để đổi lấy sự ủng hộ của Nga trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngày 31-7, Tòa án hiến pháp Ukraine cho phép Quốc hội nước này bỏ phiếu về những sửa đổi hiến pháp trong việc trao quyền tự quản cho lực lượng đòi độc lập ở miền đông. Dự thảo sửa đổi hiến pháp được Tổng thống Petro Poroshenko đệ trình, trong đó nhắc tới việc trao cho các khu vực đòi độc lập ở miền đông quyền tự quản tạm thời trong vòng 3 năm. Đây là một phần trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk mà các bên xung đột tại Ukraine đạt được hồi tháng 2 vừa qua tại Belarus và là điều mà Nga yêu cầu.
Ba là, từ hai sự kiện trên, dư luận bắt đầu kết nối sự kiện diễn ra trước đó nhiều tháng: Ngày 12-5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Nga, đi cùng là các cuộc hội đàm với ông Putin về hàng loạt vấn đề như: chương trình hạt nhân của Iran, tình hình Syria, khủng hoảng Ukraine...

Giới phân tích nhận định: Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Nga đánh dấu bước thay đổi sắc thái và được xem như tín hiệu tích cực giữa hai nước cựu thù địch sẵn sàng cải thiện quan hệ. Theo nhà báo Mỹ Brian Whitm, Nga sẽ được hai điều từ “thỏa thuận bí mật” (nếu có) với Mỹ. Đó là, thiết lập được kênh tiếp xúc cấp thứ trưởng giữa bà Nuland với người đồng cấp Grigory Karasin, Mátxcơva giờ có được thể thức song phương để “quyết định” khủng hoảng Ukraine cùng với Washington trên một vị thế cân bằng mà không có sự tham dự của người Ukraine.

Mátxcơva cũng có thể sử dụng cơ chế song phương này để trung hòa với phương thức “bộ tứ Normandy” (gồm Nga, Đức, Pháp, Ukraine) với đánh giá rằng, Pháp và Đức có thể không làm Kiev lay chuyển, nhưng Washington thì dư sức. Cái được thứ hai chính là việc Quốc hội Ukraine thông qua hiến pháp sửa đổi theo hướng mà Nga từ lâu đã tuyên bố cần phải thực hiện: trao quyền tự quản cho miền Đông. Theo đó, “mô hình chính quyền đặc biệt ở một số quận tại Donetsk và Lugansk sẽ được quyết định bởi một đạo luật riêng biệt”.

Như vậy, trong cán cân quyền lực chi phối chính trường thế giới giữa các cường quốc thì “không có điều gì là không thể”, một khi các lợi ích lớn hơn sẽ vượt qua những lợi ích nhỏ hơn.

TUYẾT MINH

.