.

Bàn cờ chiến sự hỗn loạn

.

Cuộc di dân vào châu Âu trên quy mô lớn chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tuy trong dòng người di cư đó có rất nhiều công dân của nhiều nước nhưng lại mang đậm yếu tố Syria.

Sau 4 năm đất nước Syria chìm vào xung đột đẫm máu, hàng triệu người dân bỏ nhà cửa chạy tị nạn khắp nơi, rơi vào những thảm cảnh tang thương, nhưng quốc tế vẫn bất lực không triệt hạ được quân thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cũng như không tìm được một giải pháp chính trị nào cho quốc gia Trung Đông này.

Thậm chí, những ngày gần đây, có nhiều tiếng nói ở châu Âu cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề người tị nạn, cần can thiệp quân sự vào Syria, nhất là để cuộc chiến chống IS hiệu quả, cần phải đưa quân đánh trên bộ.

Song, thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng Syria vẫn là bài toán chưa có lời giải, bởi các bên liên quan đều theo đuổi những lợi ích riêng, dù đến lúc này, ai cũng nhìn thấy kẻ thù chung là IS. Bàn cờ chiến sự hỗn loạn hiện nay ở Syria đặt ra khá nhiều câu hỏi.

Về phía Nga, từ nhiều tháng qua, Tổng thống Vladimir Putin luôn chủ trương giải quyết xung đột tại Syria bằng 2 vế: một mặt kêu gọi lực lượng đối lập Syria có chung tiếng nói để đàm phán với Damascus nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị; đồng thời, liên quân quốc tế thành lập lực lượng mở rộng, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và quân đội chính phủ Syria để tiêu diệt IS.

Tổng thống Putin thúc giục các nước khác noi gương Nga cung cấp sự hỗ trợ quân sự cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông Putin cho rằng, nếu không có sự tham gia tích cực của chính phủ và quân đội Syria thì sẽ không thể đánh bật các phần tử khủng bố ra khỏi quốc gia đó nói riêng và cả khu vực nói chung.

Liên tiếp trong những ngày qua, Pháp, Anh rồi Úc lần lượt tuyên bố sẵn sàng mở rộng không kích lực lượng IS sang Syria. Quyết định tưởng như logic đó lại rất khó khăn. Bởi lẽ, trên bàn cờ chiến sự hỗn loạn ở Syria, bên cạnh IS thì Tổng thống Assad vẫn bị một số nước phương Tây xem như cái gai cần phải nhổ.

Sự chuyển hướng chiến lược cần thiết trong cuộc chiến chống IS đang kéo theo sự thay đổi lập trường của một số nước châu Âu đối với Tổng thống Assad. Dù không công khai tuyên bố nhưng nhiều lãnh đạo châu Âu trong phạm vi nội bộ đã tính tới việc phải nói chuyện với Damascus về cuộc chiến chống  IS.

Từ trước đến nay, Pháp vẫn không muốn tấn công IS tại Syria vì lo ngại chính phủ Damascus càng được củng cố sức mạnh, trong khi Paris vẫn giữ lập trường loại bỏ Tổng thống Assad là điều kiện tiên quyết cho giải quyết khủng hoảng ở Syria. Nhưng nay Paris dường như đã thay đổi cách nhìn.

Trong khi đó, người ta vẫn thấy cánh cửa để ngỏ cho đàm phán Nga - Mỹ. Chống IS có thể sẽ là tiền đề đưa đến một tầm nhìn chung của cả Mátxcơva lẫn Washington, khi lực lượng này thực tế được cho là kiểm soát khoảng 50% lãnh thổ Syria, trong khi “phe ôn hòa đối lập” do Mỹ, phương Tây hậu thuẫn chỉ chiếm được khoảng 20%. Vấn đề khi đó là các bên liên quan sẽ chấp nhận mức giá như thế nào, mà điểm mấu chốt là câu hỏi: Ông Assad là một phần của giải pháp hay là vấn đề của giải pháp?

Những cuộc tiếp xúc 3 bên giữa Nga, Iran, Saudi Arabia từ tháng 6 đến nay cho thấy Mátxcơva muốn tìm kiếm điểm cân bằng với Mỹ trong vấn đề Syria.

Ngày 15-9, khi được hỏi về khả năng Tổng thống Nga Putin và đồng cấp người Mỹ Barack Obama tiến hành thảo luận về tình hình Syria, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: Đối thoại giữa Mátxcơva và Washington nhằm giải quyết khủng hoảng Syria là điều “không thể thiếu được”. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry qua cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov, hai bên đồng ý sẽ trở lại vấn đề Syria bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tại New York .

Giới quan sát chính trị cho rằng, bức tranh có thể sẽ dần sáng tỏ hơn khi Tổng thống Putin đến New York vào ngày 28-9 để tham dự khóa họp Đại hội đồng LHQ nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức quốc tế này. Ông chủ Điện Kremlin được cho là sẽ có bài phát biểu đề cập cách tiếp cận của Nga về cuộc khủng hoảng Syria.

Cuộc khủng hoảng nhập cư vào châu Âu đang đặt ra yêu cầu cấp bách cho cộng đồng quốc tế phải giải quyết tận gốc của vấn đề là tiêu diệt IS, nhanh chóng đưa Syria thoát khỏi cuộc xung đột đẫm máu kéo dài, chứ không thể để “bàn cờ chiến sự diễn ra hỗn loạn” dẫn tới sự ra đi của hàng vạn người lênh đênh trên vùng biển Địa Trung Hải.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.