.

Sau cơn sóng gió có còn sóng gió?

Cuối tháng 8 vừa qua, bán đảo Triều Tiên trở nên sóng gió dữ dội và có nguy cơ xảy ra chiến tranh sau vụ nổ mìn ở biên giới liên Triều, được cho là do CHDCND Triều Tiên gài đặt, làm 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương.

Thế nhưng, những “cái đầu lạnh” trên bàn đàm phán cấp cao kéo dài suốt 43 tiếng đồng hồ tại làng đình chiến Panmunjom đã mang đến một thỏa thuận gồm 6 điểm nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Với thỏa thuận bất ngờ và hiếm hoi, cùng việc CHDCND Triều Tiên bày tỏ “rất lấy làm tiếc về vụ việc”, Seoul quyết định tắt loa tuyên truyền qua biên giới. Theo đó, hai bên nhất trí tiến hành đối thoại liên chính phủ tại Seoul hoặc Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất có thể nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, cũng như sẽ tiếp tục đối thoại và đàm phán về các vấn đề khác…

Ngày 9-9, hãng Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông báo của Bộ Thống nhất nước này cho biết, các quan chức Chữ thập ​đỏ hai miền Triều Tiên vừa kết thúc cuộc thương lượng kéo dài 2 ngày và nhất trí tổ chức cuộc đoàn tụ gia đình ly tán từ ngày 20-10 đến 26-10 tại khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang ở Triều Tiên. Đây là cuộc đoàn tụ gia đình lần thứ hai trong 5 năm trở lại đây.

Được biết, sau thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953, hàng triệu người dân Triều Tiên bị chia cắt do xung đột. Nhiều người đã chết mà không được gặp lại hay chuyện trò với người thân. Mọi cuộc trao đổi dân sự giữa hai miền bị cấm hoàn toàn. Khoảng 66.000 người Hàn Quốc, trong đó có nhiều người 80 tuổi và 90 tuổi, vẫn chờ được chọn để tham gia cuộc đoàn tụ và rất hiếm người được toại nguyện vì tiêu chí lựa chọn khá khắt khe.

Trong cuộc lựa chọn gần đây nhất vào tháng 2-2014, máy tính chọn ngẫu nhiên 500 người Hàn Quốc dựa trên các yếu tố như: tuổi tác, tiểu sử gia đình. Sau nhiều cuộc phỏng vấn và kiểm tra sức khỏe, số lượng này giảm còn 200 người. Tiếp theo, mỗi miền Triều Tiên lập danh sách cuối cùng chỉ có 100 người tham gia. Đối với những người được lựa chọn, các cuộc gặp gỡ trong vài ngày ngắn ngủi diễn ra trong nước mắt vì sự vui mừng lẫn lo lắng. Họ đều hiểu rằng, sau cuộc gặp gỡ này sẽ là lần chia tay mãi mãi.

Các cuộc gặp mặt gia đình bắt đầu thật sự từ sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000. Lúc đầu, hai miền tổ chức một cuộc gặp mặt mỗi năm. Tuy nhiên, căng thẳng trên bán đảo không ngừng tăng khiến nhiều cuộc gặp gỡ bị hủy bỏ vào phút chót. Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên mang tính lịch sử vào năm 2000, hai miền Triều Tiên đã tổ chức 19 đợt đoàn tụ gia đình trực tiếp và 7 đợt qua cầu truyền hình. Tuy nhiên, gần ½ trong số 130.000 người Hàn Quốc đăng ký đoàn tụ từ năm 1988 đã qua đời mà không được gặp người thân sống tại miền Bắc.

Vì vậy, việc đoàn tụ các gia đình, người thân bị ly tán được đưa ra thương lượng giữa hai miền Triều Tiên sau cơn sóng gió vừa qua được cho là nỗ lực lớn nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Tuy nhiên,  truyền thông Hàn Quốc tỏ ra lo ngại CHDCND Triều Tiên lại nhân cơ hội này có những hành động gây hấn có thể làm hỏng sự kiện. Nhất là việc Bình Nhưỡng luôn cáo buộc Seoul xem văn bản “lấy làm tiếc” về vụ nổ mìn là hành động “xuống thang”. Bình Nhưỡng đã lên tiếng cảnh cáo rằng bản thỏa ước trên vẫn có thể bị hủy bỏ, kể cả điều khoản về đoàn tụ gia đình, nếu Seoul tiếp tục đưa ra những lời “nhận xét hoang tưởng”.

Trong khi đó, về phía mình, Hàn Quốc cũng hết sức lo ngại Triều Tiên sẽ nhân sự kiện ngày thành lập Đảng Lao động (10-10) để phóng một tên lửa tầm xa. Với đòn khiêu khích này, chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ nhận thêm những trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc và có thể sẽ khiến quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lại căng thẳng hơn.

Bởi thế, câu hỏi “liệu sau cơn sóng gió, có còn sóng gió” trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục bỏ ngỏ!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.