.

Cánh cửa rộng mở

Cách đây hơn 15 năm, Al-Qaeda chỉ dựa vào chính quyền Afghanistan do Taliban nắm quyền để huấn luyện, phát triển lực lượng, thì nay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoàn toàn khác. IS đã có hẳn những vùng đất rộng lớn, có cơ sở hậu cần, có lực lượng đông đảo quy tụ từ hàng chục quốc gia khác nhau và chiến đấu một cách có tổ chức.

Theo các nhà phân tích, IS được cho là dị bản của Al-Qaeda, là sản phẩm của cuộc chiến tranh nhằm vào Iraq năm 2003, nhưng tàn bạo hơn, quyết liệt hơn và nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.

Thế nhưng, khi IS tiến hành cuộc chiến ở Iraq, Syria, Lybia…, ban đầu, Mỹ và châu Âu có vẻ xem nhẹ, không coi đó là lực lượng đáng phải đối đầu, chí ít là trong thời gian trước mắt. Mặc khác, lúc bấy giờ, Mỹ và phương Tây đang say sưa với các cuộc “cách mạng màu” ở Trung Đông nên chỉ tập trung lực lượng đánh vào chính quyền của các Tổng thống Gaddafi, Bashar al-Assad, làm quân đội các nước này bị suy yếu, để hở một khoảng trống quyền lực cho IS tung hoành trên nhiều vùng đất rộng lớn kéo dài từ Iraq đến Syria, Lybia.

Khi nhận ra mối nguy hiểm của IS thì chúng đã có binh hùng, tướng mạnh, có được những hậu phương khá vững để đối đầu với các cuộc tấn công của đối phương. Mỹ cũng lập liên quân chống IS với 40 nước tham gia suốt một năm qua, nhưng là cuộc chiến nửa vời nên hiệu quả thì chưa cao. Nguyên nhân căn bản là chưa có sự nhất trí về mục tiêu, hợp đồng tác chiến không cao, không đủ binh lực để lấp vào những khoảng trống những khu vực mà IS chạy trốn.

Trong khi đó, IS ngày càng lấn tới cả trên chiến trường lẫn vươn ra các mục tiêu xa hơn, đó là nhằm vào các cường quốc để tấn công, vừa gây hoang mang trong dân chúng, vừa tạo uy tín. IS dường như đang quyết tâm trở thành lực lượng thánh chiến có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, đủ sức bành trướng và vươn xa hơn phạm vi “caliphate” - vương quốc Hồi giáo mà chúng tự dựng lên, nếu cộng đồng quốc tế không có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, tiêu diệt.

Các sự kiện gần đây do IS tiến hành: tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ làm hàng chục người chết; bom nổ ở Lebanon; đặt bom trên máy bay dân dụng của Nga; nhất là vụ tấn công kinh hoàng vào thủ đô nước Pháp ngày 13-11… cho thấy chúng đang tìm cách vượt qua các rào cản an ninh quốc tế để tiến hành nhiều hơn các vụ tấn công tương tự. Hisham al-Hashimi, một chuyên gia về IS, hiện sống tại Baghdad (Iraq) nói: “Chiến thuật của chúng sẽ ngày càng tinh vi hơn và các mục tiêu cũng sẽ lớn hơn… Chúng muốn một cuộc tấn công quy mô, tác động tới mọi khía cạnh xã hội… Những gì diễn ra tại Paris vừa qua mới chỉ là điểm khởi đầu”. Diễn biến đó đã buộc các nhà lãnh đạo thế giới nhìn nhận trở lại nghiêm túc hơn về cuộc chiến chống IS.

Trước hết, đó là mối nguy hiểm của IS đối với cuộc sống của nhân loại tiến bộ chứ không còn là vấn đề riêng biệt của Iraq, Syria hay của Trung Đông. Như Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull phát biểu tại Hội nghị G20 ngày 15-11 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nói: “Vụ tấn công tại Paris là nhằm vào toàn thể nhân loại. Có thể nói, tất cả chúng ta đều có chung một lý tưởng, một mục tiêu là bảo vệ các giá trị và cuộc sống của mình, cũng như làm thất bại những kẻ khủng bố và những âm mưu tấn công của chúng nhằm vào chúng ta”. Điều đó cho thấy, IS đã phát triển lực lượng, ra tay hành động tinh vi và nguy hiểm đến mức nào, nhất là trong bối cảnh các quốc gia này đã tăng cường an ninh ở mức cao nhất.

Hai là, tìm tiếng nói chung, hành động chung trong cuộc chiến chống IS. Khi IS trỗi dậy, đã có sự phân tâm giữa các cường quốc, trong đó rõ nét nhất là giữa Nga với Mỹ, Anh, Pháp. Mỹ và các đồng minh muốn loại Tổng thống Syria Bashar al-Assad khỏi chính trường để dựng lên chính quyền do mình áp đặt, mà quên đi tình hình thực tại rằng IS mới chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của quốc gia này; và lực lượng đang đương đầu chống IS tại đây không ai khác là quân đội của chính phủ Assad. Mỹ và các đồng minh loay hoay ở Iraq và Syria.

Đến khi Nga không kích chống IS và được lực lượng mặt đất là quân đội Syria, Iraq ủng hộ đã nhanh chóng thay đổi cục diện, thì Mỹ và các đồng minh mới nhận ra. Nhất là sau các vụ khủng bố kinh hoàng nói trên, đặc biệt là vụ tấn công ở thủ đô của Pháp, Mỹ và các đồng minh mới nhìn nhận lại vấn đề và đi tìm tiếng nói chung của các cường quốc, đặc biệt là Nga, để tiêu diệt IS.

Cuộc gặp riêng giữa hai Tổng thống Nga - Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nói lên điều đó rất rõ. Bởi vậy, mấy ngày qua, cả trên chiến trường, trên các diễn đàn, và trong các cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Mỹ, Anh… cho thấy chí ít là họ đã tạm gạt đi những dị biệt để ra tay hành động chống IS quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn.

Ba là, lãnh đạo các cường quốc đã xác định trọng tâm cuộc chiến chống IS là Syria và bắt tay vào giải quyết vấn đề Syria một cách cụ thể. Có 3 vấn đề nổi lên: nhanh chóng chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài ở quốc gia này; tăng cường binh lực để xóa các căn cứ, vùng đất do IS chiếm giữ lâu nay; ổn định tình hình Syria để từng bước giải quyết dòng người nhập cư vào châu Âu. Mục tiêu này nhìn bề ngoài có vẻ dễ dàng, nhưng thực ra là bài toán hóc búa cho các bên liên quan.

Nhưng đến thời điểm hiện nay, có thể nói cánh cửa đã rộng mở cho việc giải quyết vấn đề Syria và cuộc chiến chống IS. Công việc còn lại là các quốc gia liên quan hành động ra sao để IS không còn là nỗi ám ảnh nữa.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.