Cách đây khoảng 40 ngày, theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và sự hợp tác của Iran, Iraq cùng một số quốc gia khác ở khu vực, Nga chính thức phát động cuộc chiến bằng không quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Hiệu quả các cuộc tấn công bằng không quân của Nga đã làm suy yếu IS, hỗ trợ quân đội trung thành với chính phủ Syria chiếm lại nhiều khu vực quan trọng và có khả năng thúc đẩy một giải pháp chính trị tại quốc gia này.
Việc Nga chính thức tham gia chống IS đặt ra cho Mỹ và các nước đồng minh khá nhiều câu hỏi.
Trước hết, liên minh do Mỹ dẫn đầu không những chưa đè bẹp được sức mạnh của IS mà lực lượng này có nguy cơ mở rộng ảnh hưởng cả về phương diện chính trị lẫn thực địa.
Các cuộc không kích của Mỹ và liên minh chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các quốc gia liên quan nên hiệu quả không cao, chưa đánh trúng các mục tiêu quan trọng. Trong khi đó, IS vẫn chiếm nhiều vùng ở Syria, Iraq, Lybia…, vừa để nâng tầm ảnh hưởng chính trị và xây dựng căn cứ kiên cố, vừa bổ sung tiềm lực quốc phòng để chống trả liên minh quốc tế.
Thứ hai, nội chiến ở Syria không chỉ là vấn đề nội bộ mà liên quan đến tình hình cả khu vực. Khi Mỹ và các đồng minh buộc Tổng thống Assad ra đi nhưng chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ là các lực lượng chống chính phủ không chỉ có phe đối lập mà cả các tổ chức khủng bố.
Thừa cơ hội đất nước Syria rối loạn, các tổ chức khủng bố ở các quốc gia lân cận đã xâm nhập, kết nối với các phần tử trong nước, sớm hình thành lực lượng khủng bố mạnh chống chính phủ, chiếm nhiều vùng đất rộng lớn. Sự đan xen này đã tạo ra một Syria bất ổn... Bởi vậy, chính Mỹ và các đồng minh đã sai lầm khi lặp lại “giải pháp Iraq” nên cuộc nội chiến ở Syria mấy năm qua không có lối thoát, tạo tiền đề cho IS phát triển.
Thứ ba, với những bài học đã có trong thực tiễn, Nga xem việcTổng thống Assad đi hay ở là quyền của người dân quốc gia này; và muốn chống IS hiệu quả, phải có một chính quyền sở tại mạnh cùng tham chiến, để khi giành được các vùng đất do IS chiếm giữ thì phải do lực lượng tại chỗ kiểm soát. Vì vậy, việc Nga quyết định tham chiến bằng không quân đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của chính phủ và quân đội Syria, Iraq, Iran… nên hiệu quả các cuộc tấn công rất cao.
Hơn thế, khi Nga tham chiến đã tạo ra cục diện chính trị mới, ít nhất là trên các khía cạnh: vai trò của Nga trong khu vực tăng cao; tiềm lực quân sự, nhất là không quân, sẽ là thách thức lớn với Mỹ và phương Tây; Nga sẽ có tiếng nói quyết định khi giải quyết vấn đề Syria…
Tình thế đó buộc Mỹ và các đồng minh phải nhìn nhận lại cuộc chiến chống IS; giải quyết vấn đề Syria như thế nào có lợi cho mình và không bị mang tiếng là “gây bất ổn” trong khu vực...
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là Mỹ và các đồng minh đã cùng Nga đưa các bên có liên quan ở Syria và trong khu vực quay trở lại bàn đàm phán để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Nhưng lần này có sự xuất hiện của Iran, đồng minh thân cận của chính phủ Assad.
Mặt khác, khi Nga chống IS bằng không quân, lúc đầu Mỹ không chịu hợp tác, nhưng rồi không có cách nào hơn, Washington buộc phải đồng thuận nhiều vấn đề, nhất là khi cả hai cùng tác chiến trên vùng trời, để tránh nguy cơ đụng độ.
Có lẽ điều đáng quan tâm hơn là những ngày gần đây, Mỹ và các đồng minh nhìn nhận cuộc chiến chống IS ở Syria buộc phải thay đổi chiến thuật, phải huy động lực lượng trên bộ. Bà Debroah Lee James, Bộ trưởng Không quân Mỹ bình luận: “Sức mạnh không quân đặc biệt quan trọng. Nó có thể giúp ích nhiều, nhưng không thể giải quyết tất cả. Không quân không có khả năng chiếm giữ lãnh thổ và hơn tất thảy nó không có khả năng kiểm soát lãnh thổ. Đó là lý do chúng ta cần sự hiện diện trên mặt đất. Chúng ta cần phải đưa bộ binh tham gia trong chiến dịch này”.
Phát biểu của bà James được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đề cập khả năng tăng cường quân số bộ binh tới Syria nếu tìm được các “đối tác” phù hợp. Trước đó, ngày 30-10, Tổng thống Barack Obama đã thông qua quyết định triển khai một nhóm nhỏ đặc nhiệm Mỹ “khoảng 50 người” tới Syria.
Trả lời phỏng vấn hãng CNN, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói: “Việc triển khai lực lượng bộ binh là vấn đề mà chúng tôi đã thảo luận. Cần có một chiến lược hợp nhất, bao gồm việc sử dụng cả chiến dịch không kích lẫn lực lượng trên mặt đất. Tuy nhiên, một mình Thổ Nhĩ Kỳ không thể gánh vác tất cả trách nhiệm này. Nếu có một liên minh và xây dựng được một chiến lược hợp nhất, Ankara sẽ sẵn sàng tham gia”.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng lưu ý, nếu chỉ tiến hành một chiến dịch trên bộ chống IS nhưng vẫn tiếp tục để hở khoảng trống quyền lực thì sẽ dẫn tới sự xuất hiện của các nhóm khủng bố khác ở Syria thay thế IS.
Những ý tưởng đó của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm thay đổi cục diện ở Syria, nhưng sẽ thiếu tính chính danh, nếu không được sự hợp tác của chính phủ Damascus. Trong khi đó, Nga nhận thấy từ trước và đã hành động: nhanh chóng tìm một giải pháp chính trị nhằm củng cố một chính quyền đủ mạnh ở nước này và hỗ trợ đắc lực chống IS, để khi chiếm lại vùng đất ở đâu thì có ngay lực lượng tại chỗ kiểm soát mà không để “khoảng trống quyền lực”.
TUYẾT MINH