.

Đối diện với lịch sử

.

Trong hơn 3 năm qua, quan hệ giữa 3 nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) bị “đóng băng”, làm tình hình ở khu vực này căng thẳng, thậm chí có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang. Nguyên nhân chủ yếu là vấn đề nô lệ tình dục trong Thế chiến thứ hai, tranh chấp lãnh thổ giữa các nước với nhau…

Các bên liên quan đôi lần muốn nối lại cơ chế hợp tác 3 bên đã có từ năm 2012, nhằm giảm nguy cơ xung đột cũng như phát triển kinh tế… nhưng chưa thành công.

Tuy nhiên, từ tháng 8 vừa qua, Hàn Quốc đã thúc đẩy các hoạt động ngoại giao để chuẩn bị cuộc gặp cấp cao ở Seoul. Hội nghị thường niên ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) hồi tháng 3 vừa qua tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia là cơ hội hiếm để 3 bên có dịp gần nhau.

Tại diễn đàn này, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tuyên bố Seoul sẽ nỗ lực hết sức để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Trung Quốc và Nhật Bản sau 3 năm trì hoãn. Ông Yun đánh giá “khuôn khổ hợp tác ASEAN+3” là “cơ chế hợp tác khu vực được thể chế hóa nhất”; đồng thời cho rằng quan hệ gần gũi hơn giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cần thiết cho sự ổn định, hòa bình của khu vực, được coi là động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Chính những nỗ lực đó của Hàn Quốc, cùng sự hợp tác của Nhật Bản và Trung Quốc đã dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên và 2 bên ở Seoul ngày 1 và 2-11 vừa qua.

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp kéo dài 90 phút ngày 1-11, trên tinh thần “đối diện thẳng thắn với lịch sử và hướng tới tương lai”, bất chấp những tranh cãi về lãnh thổ và quan điểm về lịch sử thời chiến, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhất trí tạm gạt bỏ những khúc mắc lịch sử để thảo luận các mối quan tâm chung về an ninh và thương mại, như thúc đẩy đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nỗ lực hoàn tất hiệp định thương mại tự do 3 bên nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Các bên cũng nhất trí cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo sẽ được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) vào năm tới.

Đáng chú ý, ngay sau cuộc gặp 3 bên là cuộc gặp song phương giữa Nhật Bản với Hàn Quốc. Đây là hội đàm cấp cao Nhật Bản - Hàn Quốc đầu tiên sau 3,5 năm bị gián đoạn. Hội đàm gần đây nhất diễn ra vào tháng 5-2012 giữa Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Lee Myung-bak với Thủ tướng Nhật Bản Yosihiko Noda tại Bắc Kinh.

Đánh giá về những nỗ lực để “phá băng” trong quan hệ của 3 nước Đông Bắc Á, Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau nói: “Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực cải thiện các mối quan hệ giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng, các mối quan hệ chắc chắn và mang tính xây dựng giữa 3 nước này sẽ hỗ trợ hòa bình và ổn định trong khu vực, điều đó sẽ có lợi cho những lợi ích của chúng ta và khu vực”.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hoan nghênh lãnh đạo 3 nước nối lại đàm phán 3 bên; đồng thời hy vọng việc khôi phục đối thoại sẽ củng cố, thúc đẩy sự hợp tác giữa 3 quốc gia và ở cả khu vực Đông Bắc Á.

Giới quan sát cho rằng, hội nghị thượng đỉnh 3 bên cùng các cuộc gặp song phương bên lề cho thấy, 3 quốc gia vốn có nhiều bất đồng sâu sắc ở Đông Bắc Á đã đối diện với lịch sử và hướng đến tương lai. Theo đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thay đổi thái độ và cách tiếp cận với nhau trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, xóa bỏ những hoài nghi, tạo cơ sở cho những động thái tiếp theo nhằm từng bước cải thiện quan hệ song phương và đa phương, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.