Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bén rễ tại Iraq và từ sự hỗn loạn của cuộc nội chiến ở Syria. Gần đây, tổ chức này chuyển trọng tâm các cuộc tấn công “kẻ thù ở xa”, mà các vụ tấn công đẫm máu ở Paris (Pháp) và các vụ xả súng tại San Bernardino (Mỹ) là 2 ví dụ điển hình.
Ông Richard Barrett, cựu lãnh đạo các hoạt động chống khủng bố toàn cầu của Anh và hiện là Phó Chủ tịch Soufan Group có trụ sở tại New York (Mỹ), khẳng định: “IS đã lan rộng ra toàn cầu” và Đông Nam Á cũng là một mục tiêu mà IS nhắm tới.
Nhận định đó có vẻ càng đúng đắn khi mới đây, Cảnh sát Indonesia đã đập tan một âm mưu tấn công khủng bố lớn, bắt giữ nhiều đối tượng tình nghi liên quan tới một kế hoạch đánh bom liều chết tại thủ đô Jakarta trong dịp năm mới 2016.
Vì vậy, cảnh báo của Tổng chưởng lý Úc George Brandis hoàn toàn có cơ sở. “IS có tham vọng tăng cường sự hiện diện và tầm hoạt động ở Indonesia, bất kể là trực tiếp hay gián tiếp. IS từng tuyên bố ý định thiết lập các vương quốc Hồi giáo vượt ra khỏi khu vực Trung Đông và các vương quốc Hồi giáo nhỏ lẻ khác. Tổ chức này đã xác định Indonesia là một mục tiêu cho tham vọng của chúng”, ông Brandis nói.
Không những ở Indonesia, mà Philippines cũng là vùng đất mà IS đã tập trung chiêu mộ chiến binh và tổ chức huấn luyện. Sau khi Indonesia khám phá âm mưu tấn công khủng bố lớn, ngày 21-12, các “binh sĩ của vương quốc Hồi giáo ở Philippines” tung ra đoạn video ngắn tiết lộ một trại huấn luyện tại một khu rừng ở Philippines.
Đoạn video bắt đầu với cảnh một người bịt mặt nói trước ống kính về việc tạo ra “cuộc hành hương tới vương quốc” trước khi chuyển sang cảnh các trại huấn luyện thô sơ. Sau đó, chúng tiết lộ buổi tập chạy vượt chướng ngại vật, các bài rèn luyện thể lực. Ngoài ra, video còn cho thấy, các tay súng thánh chiến trẻ tuổi này tập luyện với những vũ khí giống như súng trường tấn công do Mỹ sản xuất. Tất cả đều bịt mặt.
Đoạn video nói trên được công bố sau khi 8 thành viên trong một băng nhóm tội phạm Philippines liên quan IS đã bị tiêu diệt trong một cuộc đấu súng với quân đội chính phủ tại miền nam nước này vào tháng trước. Cuộc đấu súng kéo dài nhiều giờ tại thị trấn hẻo lánh Palibang, nơi sinh sống của một tộc người thiểu số theo đạo Hồi.
8 tên tội phạm đó đều thuộc băng đảng Ansar al-Khalifa. Chúng đã bắt giữ ít nhất 4 công dân nước ngoài làm con tin và yêu cầu tiền chuộc lên tới hàng triệu USD, bằng không chúng đe dọa sẽ chặt đầu họ. Người phát ngôn quân đội Philippines khu vực, ông Filemon Tan, cho biết sau cuộc đụng độ, giới chức tìm thấy 5 lá cờ màu đen giống với hình mẫu cờ các tay thánh chiến IS sử dụng gần nơi ở của băng đảng.
Tuy nhiên, chưa rõ các tay súng trong đoạn video nói trên thuộc nhóm nào, nhưng một số nhóm thánh chiến ở Philippines đã thề trung thành hoặc ủng hộ IS. Các nhóm thánh chiến Abu Sayyaf, các tay súng Hồi giáo tự do Bangsamoro (BIFF) và một nhóm tự xưng là Ansar al Khilafah ở Philippines đều từng thề trung thành hoặc ủng hộ IS.
Trong đó, Abu Sayyaf có quan hệ truyền thống với Al-Qaeda. Tháng 6-2014, người chế tạo bom của Abu Sayyaf, được cho là bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Bắc Waziristan (Pakistan), đã xuất hiện ở Philippines. Một tên khác là Abdul Basit Usman, bị Mỹ truy nã vì tham gia các vụ đánh bom ở Philippines và cũng có quan hệ với Jemaah Islamiyah, nhóm có liên kết với Al-Qaeda ở Đông Nam Á. Usman bị cho là đã thiệt mạng hồi đầu năm nay trong cuộc đọ súng với quân đội Philippines.
Hai vụ việc nói trên cho thấy IS đang mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Trung Đông và Đông Nam Á là nơi chúng đang nhắm tới. Indonesia và Philippines là các quốc gia đã có nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan từng quan hệ chặt chẽ với Al-Qaeda. Chúng lợi dụng 2 nước này có nhiều người Hồi giáo, dễ phát triển lực lượng và tổ chức hoạt động. Ngoài ra, Malaysia và phía nam Thái Lan cũng có nguy cơ bị các phần tử IS len lỏi hoạt động.
Những diễn biến đó càng khiến các quốc gia Đông Nam Á phải nêu cao cảnh giác, hợp tác chặt chẽ với nhau để đấu tranh và loại trừ mối nguy cơ khủng bố của IS nói riêng, nạn khủng bố nói chung. Nhất là chỉ còn vài ngày nữa thôi, vào ngày 31-12, các quốc gia Đông Nam Á sẽ trở thành “ngôi nhà chung” cộng đồng với 3 trụ cột chính: Chính trị - an ninh, Kinh tế và Văn hóa - xã hội.
T.M