Cuộc hội tụ của 150 nhà lãnh đạo các nước tại Paris (Pháp) để dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) trong những ngày qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.
Mối quan tâm đó không chỉ là tài chính của COP21, mà hàng loạt cuộc gặp song phương bên lề hội nghị để bàn về quan hệ đôi bên và những vấn đề mang tính thời sự nổi lên trong thời gian gần đây có tác động không nhỏ đến chính trường thế giới.
Đó là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria cũng như tình hình Ukraine.
Theo AFP, ông Obama đã nói với ông Putin rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần phải từ bỏ quyền lực như một phần của quá trình chuyển tiếp chính trị.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh cần một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể được rút lại nếu Mátxcơva tuân thủ thỏa thuận Minsk.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, hai bên đã bày tỏ ủng hộ nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời khẳng định cần thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk về Ukraine.
Trong khi đó, xung quanh vấn đề đang làm nóng quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là vụ Ankara bắn hạ chiến đấu cơ Su-24, Tổng thống Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bàn thảo cách thức để Ankara và Mátxcơva có thể nối lại hợp tác, làm giảm căng thẳng trong quan hệ song phương.
Ông chủ Nhà Trắng muốn các bên tập trung vào một kẻ thù chung là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chứ không nên đẩy quan hệ Nga - Thổ thành điểm nóng.
Đáng chú ý, một lần nữa, ông Obama tái khẳng định lập trường của Mỹ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO - phải được quyền “bảo vệ không phận và lãnh thổ khi bị xâm phạm”.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn từ chối gặp Tổng thống Erdogan bên lề COP21 vì cho rằng Ankara đã không xin lỗi trong vụ bắn hạ máy bay.
“Chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin bổ sung khẳng định, dầu mỏ được sản xuất tại các vùng do Daech và các tổ chức khủng bố khác kiểm soát đã được ồ ạt chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi có lý do để cho rằng, quyết định bắn hạ chiến đấu cơ của Nga là có chủ ý bảo vệ những tuyến đường vận chuyển dầu tới lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, chính xác hơn là tới các hải cảng và từ đó được chuyển lên những con tàu chở dầu”, ông Putin nói.
Đáp lại, Tổng thống Erdogan cho rằng, nếu vụ việc xảy ra theo như phát biểu của Tổng thống Nga, ông sẵn sàng từ chức và thách thức người đứng đầu Điện Kremlin liệu có sẵn sàng làm như vậy, nếu những cáo buộc trên là sai.
Một cuộc gặp khác cũng gây sự chú ý là giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên đã thảo luận hàng loạt vấn đề, từ quan hệ song phương đến các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: Trung Quốc và Mỹ cần kiên trì phương hướng đúng đắn xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới và các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau cũng như hợp tác cùng có lợi.
Ngoài ra, ông cũng bày tỏ mong muốn Bắc Kinh và Washington đẩy mạnh các hoạt động trao đổi và hợp tác thực chất ở các cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu, trong các lĩnh vực như: tăng cường phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các mục tiêu đã đề ra tại
COP21, đồng thời giải quyết những bất đồng và các vấn đề nhạy cảm trong bầu không khí xây dựng.
Về phần mình, ông Obama nêu rõ: “Là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và là hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới, chúng tôi đều xác định rằng, chúng tôi có trách nhiệm phải hành động. Vai trò lãnh đạo của chúng tôi trong vấn đề này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng”.
Còn trong cuộc gặp chỉ kéo dài 4 phút, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.
Ông Abe khẳng định ông và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có một cuộc trao đổi hữu ích trước đó tại Hàn Quốc về nhiều quan điểm chung. Ông Abe cũng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ hợp tác sâu rộng hơn thông qua các hoạt động trao đổi các đoàn đại biểu sau khi tham dự các cuộc gặp gỡ gần đây với đoàn học sinh trung học và các tổ chức kinh tế của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình cũng khẳng định hai quốc gia chia sẻ nhiều lợi ích chung và nhận thấy nhiều “dấu hiệu thay đổi” trong mối quan hệ song phương.
Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao quan hệ hữu nghị giữa hai bên và bày tỏ hy vọng đạt được những thỏa thuận hợp lý về các vấn đề nhạy cảm, giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng phát triển.
Ngoài ra, còn có hàng trăm cuộc gặp bên lề khác tại COP21, để bàn về quan hệ song phương và cuộc chiến chống khủng bố, nhất là IS, tình trạng nhập cư vào châu Âu, cuộc xung đột ở Syria…
Xem ra, những cuộc gặp bên lề COP21 Paris cũng tạo sự chú ý của dư luận lắm thay!
TUYẾT MINH