.

Bước leo thang nguy hiểm

.

Thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, vài năm gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành ồ ạt việc bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa mà họ cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đã xây dựng các cầu cảng, các công trình kiên cố khác và các sân bay trên 3 trong số 7 đảo nhân tạo mà họ rốt ráo bồi đắp từ hơn một năm nay.

Nghiêm trọng hơn, trong các ngày 1 và 6-1 vừa qua, Trung Quốc đã cho các máy bay dân sự bay thử nghiệm ra sân bay trên Đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Không những vậy, việc tàu bay này của Trung Quốc đi vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh mà không thông báo trước đã gây sự nhiễu loạn trong quá trình kiểm soát không lưu của tuyến hàng không quốc tế do Việt Nam đảm trách.

Phản ứng trước hành động trên của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Thế nhưng, ngày 11-1, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố ngang ngược rằng “các chuyến bay thử nghiệm và hiệu chuẩn của Trung Quốc tới sân bay mới xây dựng trên Vĩnh Thử (tức Đá Chữ Thập) là hoạt động hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc” (?!).

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tuyên bố nói trên của Trung Quốc cố tình khẳng định toàn bộ hành lang bay từ đảo Hải Nam qua vùng thông báo bay Hồ Chí Minh đến bãi Chữ Thập thuộc vùng trời chủ quyền của Trung Quốc.

Đây là tuyên bố hết sức sai trái và phi lý, trực tiếp đe dọa đến hoạt động bình thường và an toàn hàng không dân dụng tại Biển Đông.

Mặt khác, tuyên bố của Trung Quốc cho rằng việc tàu bay của Trung Quốc bay vào, bay cắt ngang hệ thống đường hàng không quốc tế đã được các quốc gia liên quan và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thiết lập “hoàn toàn là quyền tự do của Trung Quốc mà không phải tuân thủ bất kỳ quy định, quy tắc quốc tế nào về an toàn hàng không”, làm dấy lên sự lo ngại sâu sắc của Việt Nam cũng như cộng đồng hàng không quốc tế về trách nhiệm của một quốc gia đối với vấn đề bảo đảm an toàn hàng không.

Đồng thời, Bắc Kinh lấp liếm khi cho rằng, các công trình ở Trường Sa chủ yếu nhằm mục tiêu dân sự và hòa bình, và chuyến bay thử nghiệm của một phi cơ dân sự đến Đá Chữ Thập mới đây chỉ nhằm kiểm tra xem phi đạo trên đó có đạt chuẩn mực của ngành hàng không dân dụng hay không (?!).

Tất cả những hành động trên của Trung Quốc không che giấu được ai, vì tỏ rõ dấu hiệu ban đầu cho cuộc phiêu lưu quân sự sâu xa, đe dọa nguy hiểm cho tuyến hàng không và hàng hải vô cùng quan trọng của thế giới ở Biển Đông.

Theo các nhà quan sát chính trị và quân sự quốc tế, việc Trung Quốc cho xây dựng phi đạo trên Đá Chữ Thập có chiều dài hơn 3.000 mét, đủ để tiếp nhận các loại oanh tạc cơ tầm xa, phi cơ vận tải và các chiến đấu cơ hiện đại nhất của nước này là thực hiện ý đồ quân sự hóa khu vực, cho phép Bắc Kinh hiện diện ngay ở trung tâm vùng biển Đông Nam Á.

Trả lời Reuters, chuyên gia Leszek Buszynski, nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng của Đại học Quốc gia Úc dự báo: “Một khi Trung Quốc đã thử nghiệm phi đạo với một số phi cơ dân sự, bước tiếp theo sẽ dùng đến các chiến đấu cơ như Su-27 và Su-33. Và các máy bay này sẽ đặt căn cứ thường trực tại đấy…”.

Ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore mang tên Yusof Ishak, dự báo tình hình khu vực sẽ căng thẳng hơn nữa khi Trung Quốc sử dụng các cơ sở mới để triển khai lực lượng sâu hơn vào vùng Biển Đông.

Ông Storey phân tích: “Khi các cơ sở này đi vào hoạt động, các hành vi cảnh cáo máy bay quân sự và dân sự của các nước khác sẽ trở thành thói quen”, và những điều đó là “tiền thân của một vùng nhận dạng phòng không, hoặc là một vùng phòng không không tuyên bố chính thức nhưng được áp đặt thực tế”…

Khi sự hiện diện quân sự ngày càng tăng trong vùng biển đang tranh chấp, Trung Quốc sẽ có thể áp đặt một vùng nhận dạng phòng không, làm tăng tình hình căng thẳng với các bên tranh chấp khác, nhanh chóng biến khu vực này thuộc diện bất ổn nhất trên thế giới trong tương lai không xa.

Tất cả diễn biến nói trên cho thấy Bắc Kinh đã và đang có những bước đi vô cùng nguy hiểm, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam ở Trường Sa; đồng thời làm dấy lên quan ngại của cộng đồng quốc tế về tuyến vận tải hàng hải và hàng không của thế giới ở Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.