Sau hơn một thập niên bị bao vây cấm vận bởi liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố rằng Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đạt được cuối tháng 7-2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. Động thái đó đã làm nhân tố Iran có tác động không nhỏ đến tình hình khu vực và thế giới trên nhiều phương diện cả về chính trị lẫn kinh tế.
Về chính trị, tiếng nói của Tehran không kém phần quan trọng để góp phần giải quyết các vấn đề khá phức tạp ở khu vực Trung Đông hiện nay, nhất là vấn đề Syria, Yemen... và cuộc chiến chống khủng bố.
Ngay sau khi thỏa thuận với nhóm P5+1 có hiệu lực, hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời ông Tổng thống nước này, ông Hassan Rouhani nói: “Người dân Iran đã vươn ra thế giới bằng tình hữu nghị; gác lại những thù địch, nghi hoặc và âm mưu; mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Iran với thế giới”. Ông Rouhani còn nhấn mạnh: “Chúng tôi là sứ giả của hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới”.
Đáng chú ý, nhân chuyến thăm châu Âu, Tổng thống Rouhani hôm 26-1 có cuộc gặp lịch sử với Giáo hoàng Francis tại Tòa thánh Vatican, tập trung việc thiết lập nền hòa bình ở Trung Đông. Giáo hoàng Francis đã yêu cầu Tehran hợp tác với các quốc gia Trung Đông để thúc đẩy hòa bình và ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố cũng như nạn buôn lậu vũ khí trong khu vực.
Giáo hoàng kêu gọi Iran đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm các giải pháp chính trị cho những vấn đề đang tồn tại ở Trung Đông, đặc biệt là xung đột ở Syria.
Điều đó cho thấy, ảnh hưởng của Iran trong việc giải quyết các cuộc xung đột hiện nay tại khu vực là rất lớn.
Về kinh tế, việc Mỹ và EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran lâu nay không chỉ giúp nước này có thể bán được nguồn dầu dự trữ lên tới gần 40 triệu thùng và có thể sản xuất thêm tới 500.000 thùng nữa mỗi ngày. Sự trở lại thị trường dầu mỏ của Iran đã tác động rất lớn đến giá dầu thế giới đang trên đà lao dốc kể từ năm 2015 đến nay và có thể còn ảm đạm hơn trong năm 2016.
Mặt khác, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận còn giúp Iran có quyền tiếp cận được với gần 100 tỷ USD tài sản bị “đóng băng” ở nước ngoài. Số tiền này vô cùng ý nghĩa đối với quốc gia bị cô lập hàng chục năm như Iran trong quá trình cập nhật các công nghệ hiện đại, tân tiến trên thế giới sao cho phù hợp với tiềm năng kinh tế của mình.
Các lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền, bảo hiểm, thương mại, vận tải và mua bán công nghệ sẽ có cơ hội phát triển nở rộ khi được tiếp cận với luồng vốn đầu tư nước ngoài. Thoát khỏi những “xiềng xích” của lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm cho phép Iran đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Bởi vậy, ngay sau khi lệnh dỡ bỏ cấm vận có hiệu lực chính quyền Iran tuyên bố sẽ sử dụng phần lớn nguồn tiền bị phong tỏa để mua hàng hóa nhằm cung cấp cho người dân và đổi mới các thiết bị sản xuất dầu để tăng sản lượng.
Nhưng đáng chú ý nhất, việc Iran trở lại đời sống bình thường với cộng đồng quốc tế sẽ làm các quốc gia EU cảm thấy “phấn khích” vì đây sẽ là cơ hội làm ăn rất lớn cho lục địa già này.
Chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Rouhani đã nói lên điều đó. Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi lịch sử, sau suốt 16 năm qua của phái đoàn nhà nước Iran, chính là thủ đô Rome (Ý), nơi ông Rouhani hội đàm với Thủ tướng Ý Matteo Renzi và các doanh nhân nước này.
Và trị giá các hợp đồng được ký trong ngành luyện kim, năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng nước, xây dựng, đóng tàu... lên tới 17 tỷ euro là con số vô cùng ấn tượng.
Tiếp đó, ông Rouhani đến Paris và gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 27-1. Tờ Financial Times lưu ý rằng, các công ty của Pháp cũng là “một trong những nhân tố vồ vập với Iran nhất ngay sau khi nước này được dỡ bỏ cấm vận”.
Chủ tịch Tập đoàn Renault-Nissan (Pháp) Carlos Ghosn đã công bố kế hoạch của công ty nhằm xâm nhập thị trường Iran và khẳng định sẽ hiện diện nhiều hơn nữa tại Iran. Một nhà cạnh tranh khác của Pháp - hãng Citroen, đã bán được 1 triệu ô-tô tại Iran, cũng đang thảo luận về một nhà máy lắp ráp mới trong quan hệ đối tác với hãng chế tạo ô-tô của Iran - Khodro. Ngược lại, Tehran nhắm mục tiêu phát triển quan hệ với hãng dầu Total của Pháp.
Ngoài ra, Iran cũng không bỏ qua mong mỏi làm ăn giữa Iran Air và Airbus, với hy vọng Tehran sẽ có ít nhất 114 máy bay của tập đoàn chế tạo máy bay nổi tiếng châu Âu này. Airbus tuy hiện không bình luận về thỏa thuận này, nhưng các quan chức Iran từ trước đó đã khẳng định rằng, trong những năm tới, Iran cần ít nhất 400 máy bay tầm trung, tầm xa và 100 máy bay loại nhỏ.
Tổng thống Iran còn bày tỏ hy vọng sẽ giành được khoảng 50 tỷ euro đầu tư của các công ty châu Âu trong năm nay. Trước đó, giới chức Iran cho rằng, nếu thu hút được từ 30-50 tỷ euro sẽ giúp bảo đảm tăng trưởng 8% nền kinh tế Iran trong vòng 1 năm.
Như vậy, lần đầu tiên trong hơn 10 năm có một nhà lãnh đạo từ thế giới Hồi giáo là Iran đến thăm thủ đô của một số nước châu Âu để trao đổi về đường hướng giải quyết các cuộc xung đột vũ trang, thiết lập nền hòa bình ở Trung Đông, cũng như đàm phán ký kết những hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ USD. Đây cũng là cơ hội không chỉ cùng nhau bắt tay kiến tạo nền hòa bình ở Trung Đông nói riêng, thế giới nói chung, mà còn mở ra cơ hội làm ăn to lớn giữa các bên liên quan, dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn phức tạp.
Vì thế, có thể nói nhân tố Iran đang có những tác động không nhỏ về chính trị và kinh tế trong khu vực và trên thế giới là vậy!
TUYẾT MINH