Cách đây không lâu, khi Trung Quốc gia tăng ồ ạt việc bồi lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông, tiến hành xây dựng hàng loạt công trình như sân bay, bến cảng… trên các đảo này, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có quyền lợi ở Biển Đông, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ về sự thay đổi hiện trạng và âm mưu của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong việc chiếm đoạt Biển Đông.
Trước phản ứng của dư luận quốc tế, Trung Quốc một mặt vẫn ngang nhiên coi gần như toàn bộ khu vực Biển Đông là “thuộc chủ quyền” của họ. Mặt khác, họ ngụy biện rằng, việc bồi lấp và xây dựng trái phép các công trình trên các đảo nhằm phục vụ lợi ích dân sự, chứ không đe dọa an ninh, an toàn hàng hải…
Thế nhưng, gần đây, Trung Quốc đã nhanh chóng quân sự hóa trên nhiều đảo mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc ngang nhiên bố trí tên lửa đất đối không HQ-9, đưa máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 Shenyang (Thẩm Dương) J-11 và máy bay tiêm kích-ném bom Xian (Tây An) JH-17 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là bước leo thang vô cùng nguy hiểm.
Nhiều hãng tin như BBC, AFP đã công bố ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang lắp đặt các hệ thống radar trên một số đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp tại khu vực quần đảo Trường Sa. Ảnh vệ tinh chụp Đá Châu Viên được Trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố cho thấy một cơ sở có dáng dấp của một giàn radar tần số cao, cùng một ngọn hải đăng, một lô cốt ngầm, một bãi đáp trực thăng và một số thiết bị thông tin liên lạc khác.
Ảnh chụp các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng gần đấy như Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa và Đá Gạc Ma cũng cho thấy một số công trình đang xây dựng được dự đoán là tháp radar, ụ pháo, lô cốt, bãi đáp trực thăng, và bến cảng…
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ) nhận định: “Việc bố trí một đài radar tần số cao trên Đá Châu Viên sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc trong việc giám sát lưu thông trên không và trên biển, đi qua eo biển Malacca ở phía bắc cũng như nhiều tuyến lưu thông chiến lược quan trọng khác”.
Các nhà quan sát cho rằng, hành động đó của Trung Quốc sẽ chuẩn bị cho việc hình thành vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và kiểm soát chặt chẽ tuyến vận tải hàng hải quan trọng của thế giới đi qua khu vực này trong tương lai gần. Bởi vậy, cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại trước hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố hành động quân sự hóa các cơ sở tại Biển Đông sẽ không giúp ích gì cho những nỗ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực này. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Còn Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, cho rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không và hệ thống radar, cũng như xây dựng các đường băng trên Biển Đông “đang làm thay đổi môi trường hoạt động” tại khu vực này.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ: Nhật Bản “hết sức quan ngại về mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng”, đồng thời khẳng định Tokyo “chưa bao giờ chấp nhận những hành động theo kiểu việc đã rồi như vậy”. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani kêu gọi Trung Quốc “giải thích rõ ràng” thông tin về việc đưa tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa.
Đáng chú ý, tờ Đông Phương của Hong Kong ngày 23-2 dẫn lời Tư lệnh Quân khu miền Tây Philippines, Đô đốc Alexander Lopez, tuyên bố nước này đã sẵn sàng đối mặt với tình huống xấu nhất có thể xảy ra tại khu vực Biển Đông, đồng thời tiếp tục theo dõi mọi động thái liên quan của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Hành động quân sự hóa của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Trên một phương diện khác, hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông sẽ tạo ra nguy cơ xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đánh mất mọi cơ hội giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp và công ước quốc tế.
TUYẾT MINH