Quan sát & Bình luận

Đến và đi

08:28, 17/03/2016 (GMT+7)

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định đưa lực lượng quân đội đến Syria tham gia cuộc chiến chống khủng bố từ tháng 9 năm ngoái được cho là động thái hoàn toàn bất ngờ đối với Mỹ và các đồng minh. Thế rồi, sau nửa năm tiến hành cuộc không kích nhằm vào các lực lượng khủng bố và hỗ trợ quân đội của chính phủ Syria do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu, Tổng thống Vladimir Putin quyết định rút một phần cơ bản lực lượng quân đội Nga khỏi Syria.

Mỹ và các đồng minh bất ngờ, thậm chí hoài nghi về sự ra đi đột ngột của quân đội Nga ở Syria, trong khi tiến trình đàm phán về hòa bình cho quốc gia này mới được khởi động ở Geneva (Thụy Sĩ).

Nhưng ở một góc độ khác, nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng, Tổng thống Putin đã đúng và rất khôn ngoan khi tuyên bố rút quân ở Syria vì nó giải quyết cùng một lúc 2 chính sách đối ngoại, đối nội.
Trước hết là chính sách đối ngoại. Việc tham chiến của Nga ở Syria ngay lập tức làm thay đổi cán cân tại khu vực Trung Đông. Nó cho thấy chính sách can thiệp của Mỹ và các đồng minh một thời gian dài không hiệu quả, ngày càng làm chủ nghĩa khủng bố, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày càng lớn mạnh, có nguy cơ đẩy Trung Đông chìm sau vào cuộc khủng hoảng và lan rộng ra nhiều quốc gia khác.

Tuy vậy, động thái của Nga cũng gây những lo ngại cho nhiều nước trong khu vực, kể cả Mỹ và châu Âu, rằng Mátxcơva muốn bành trướng và kiểm soát khu vực Trung Đông này. Hơn thế, lực lượng đối lập ở Syria cũng cho rằng, Nga lợi dụng chống khủng bố để tấn công lực lượng đối lập, tạo lợi thế cho chính phủ Assad.

Bởi vậy, lệnh ngừng bắn ở Syria do Nga và Mỹ bảo trợ mới đây đã có hiệu lực nhằm thúc đẩy các bên liên quan tích cực tham gia tiến trình đàm phán hòa bình một cách thực chất để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt 5 năm ở quốc gia Trung Đông này. Đây là cơ hội để Tổng thống Putin đưa ra quyết định rút quân và cho thấy Nga tham chiến ở Syria là để chống khủng bố chứ không vì mục tiêu nào khác.

Tất nhiên, Nga rút quân không có nghĩa là hoàn toàn bỏ rơi chính phủ của Tổng thống Assad. Mátxcơva vẫn là bên có tiếng nói quyết định cho nền hòa bình của Syria và duy trì một lực lượng không quân vừa đủ để tấn công các cơ sở của lực lượng khủng bố còn sót lại.

Mặt khác, việc rút quân cũng cho thấy Nga không muốn mình là bên gây áp lực, mà để chính phủ của Tổng thống Assad cùng các bên liên quan tự quyết định vận mệnh của đất nước một khi các lực lượng khủng bố đã bị đè bẹp. Điều đó cũng hàm nghĩa là chính phủ Assad tuy đã có chỗ đứng sau một thời gian có sự tham chiến thực chất của Nga nhưng cũng cần phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết rốt ráo các vấn đề còn lại của đất nước. Đấy là quan điểm nhất quán của Nga từ trước đến nay xung quanh cuộc nội chiến ở Syria.

Hai là, Nga muốn tập trung giải quyết các vấn đề của đất nước do cuộc bao vây cấm vận của Mỹ và các đồng minh ở châu Âu sau sự kiện Ukraine. Đồng thời, cùng với giá dầu sụt giảm nghiêm trọng thì việc tham chiến ở Syria cũng làm Nga tăng chi phí quốc phòng trong khi kinh tế đất nước đang gặp khó khăn. Nga không muốn sa lầy vào cuộc chiến ở Syria để tăng thêm gánh nặng cho đất nước về kinh tế cũng như xã hội.

Do vậy, thực tế cho thấy Nga đang thực sự quan tâm việc “hóa giải các bất đồng” để từng bước cải thiện mối quan hệ với phương Tây - đối tác thương mại và đầu tư lớn của Nga.

Thế nên, quyết định rút quân ở Syria của Nga được đánh giá là vô cùng “bất ngờ, gây sửng sốt” cho các bên liên quan, nhưng cũng tạo tiếng nói bất ngờ của nhiều chính khách phương Tây là tại sao “chúng ta không nói chuyện trực tiếp với người Nga” về nhiều vấn đề song phương và quốc tế đang ngày càng trở nên gai góc.

Riêng với các nước khu vực Trung Đông, Nga cũng luôn cố gắng để có thể tăng cường hợp tác về đầu tư, năng lượng và hạt nhân với các nước này.

Song, do sự khác biệt quan điểm và cuộc nội chiến Syria, đặc biệt là các cuộc không kích của không quân Nga, đã cản trở rất nhiều về sự hợp tác kể trên. Trong khi đó, quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng “đóng băng” về ngoại giao và kinh tế do tác động cuộc chiến ở Syria cũng gây bất lợi cho Nga.

Quyết định của Nga tiến hành không kích ở Syria cách đây gần 6 tháng đã làm thay đổi cán cân lực lượng tại quốc gia này và bàn cờ chính trị của Trung Đông; thì nay việc ra đi cũng đầy bất ngờ và tất yếu sẽ làm tiến trình hòa bình ở Syria được thúc đẩy, khu vực này cũng có những chuyển biến tích cực.

Vì thế, tiếng nói của Nga và “phong cách” của Putin dường như được củng cố và tăng nhanh uy tín khi “đến và đi” ở Syria!

TUYẾT MINH

.