Quan sát & Bình luận

Cuba thúc đẩy quá trình hội nhập

08:26, 04/02/2016 (GMT+7)

Cách đây hơn một năm, Mỹ tuyên bố từ bỏ chính sách thù địch chống Cuba và hai bên tạm gác lại những khác biệt vĩ mô, chính thức nối lại quan hệ ngoại giao sau hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn.

Từ đó đến nay, La Habana và Washington đã có những nỗ lực đáng kể với hàng loạt động thái như: mở cửa lại sứ quán tại hai nước, giải quyết vấn đề trao đổi thư tín, chuyển tiền, du lịch, trao đổi hàng hóa, vận tải hàng hải và gần đây là hàng không…

Nhiều lĩnh vực tiềm năng để Mỹ và Cuba hợp tác như: chống buôn lậu ma túy, chống buôn người, quản lý di cư, bảo vệ các rạn san hô và môi trường biển, cứu hộ cứu nạn, phát triển công nghệ sinh học, trao đổi học thuật, văn hóa, thể thao, hợp tác trong các chiến dịch phòng chống dịch bệnh quốc tế, sản xuất dược phẩm và chăm sóc y tế... Thực tế, trong thời gian qua, hai bên cũng đã bắt đầu đàm phán về gần 20 thỏa thuận trong các lĩnh vực “ít nhạy cảm” này.

Tuy nhiên, việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa La Habana và Washington còn phải trải qua một chặng đường đầy khó khăn, thử thách, nhưng chủ yếu từ phía Mỹ. Bởi lẽ, còn rất nhiều biện pháp trừng phạt khác mà Mỹ nhằm vào Cuba trong những năm trước đây vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn và đây là rào cản cho sự hợp tác giữa hai nước.

Trong khi đó, Cuba đã nhanh chóng đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống kinh tế thế giới bằng việc thúc đẩy quan hệ đối tác với nhiều nước trong và ngoài khu vực châu Mỹ, vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Washington và chính sách cô lập La Habana của nước này trong hơn nửa thế kỷ qua.

Đáng chú ý là chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 1-2 vừa qua đánh dấu một bước tiến mới trên con đường bình thường hóa bang giao giữa Cuba với châu Âu. Việc Chủ tịch Cuba Raul Castro chọn Pháp trong chuyến công du châu Âu cho thấy La Habana coi trọng vai trò của Paris trong quá trình thúc đẩy Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao cũng như sự hội nhập với các tổ chức tài chính quốc tế.

Hãng tin AFP cho hay, Pháp đã thúc đẩy một thỏa thuận vào tháng 1-2015 về việc giải quyết các món nợ tổng cộng 16 tỷ USD của Cuba với các nước chủ nợ trong Câu lạc bộ Paris (từ năm 1986, Cuba đã không còn khả năng trả các món nợ này). Thỏa thuận về việc xóa 8,5 tỷ USD nợ của Cuba được chính thức ký kết nhân chuyến viếng thăm Pháp của Chủ tịch Castro.

Ngoài khuôn khổ hợp tác song phương với hàng loạt thỏa thuận được ký kết trong các lĩnh vực du lịch, giao thông và thương mại nhân chuyến thăm nước Pháp của Chủ tịch Raul Castro, Paris còn tuyên bố giúp Cuba tiếp cận một số thị trường tài chính trong khi chờ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, được ban hành từ năm 1962.

Đặc biệt, phát biểu sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Điện Elysée, Tổng thống Pháp Francois Hollande một lần nữa yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận chống Cuba, đồng thời khẳng định vai trò đối tác chính trị và kinh tế hàng đầu của Paris đối với La Habana. Đó là tín hiệu mạnh mẽ để tạo sự tin tưởng cho nhiều tập đoàn của Pháp đầu tư vào Cuba, như tập đoàn rượu Pernod-Ricard, tập đoàn khách sạn Accord, tập đoàn xây dựng Bouygues, tập đoàn viễn thông Alcatel-Lucent…

Điều đó cũng cho thấy, Paris đang cố tăng cường sự hiện diện kinh tế tại một quốc gia đang dần dần chuyển sang nền kinh tế thị trường, đồng thời chọn Cuba là điểm nhấn trong việc thúc đẩy trở lại quan hệ với các nước châu Mỹ Latinh.

Không chỉ vậy, Cuba cũng đẩy mạnh quá trình hợp tác, phát triển kinh tế với nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Á… nhằm đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách cả về chính trị lẫn kinh tế - xã hội bởi hậu quả của hơn nửa thế kỷ bị bao vây cấm vận do Mỹ áp đặt.

TUYẾT MINH

.