.

Gia tăng đối đầu

.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào ngày 6-1 và bắn thử tên lửa tầm xa ngày 7-2, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 9-3 đưa tin: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố rằng, các nhà khoa học nước này đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân được gắn vào tên lửa đạn đạo và tạo ra sự răn đe thực sự.

Không những vậy, Bình Nhưỡng còn lên tiếng sẽ tiến hành tấn công phủ đầu bằng hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ nếu 2 nước này không ngừng các cuộc tập trận trên quy mô lớn.

Những động thái đó của Bình Nhưỡng gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế và nhiều nhà quan sát cho rằng, nó sẽ gia tăng sự đối đầu của các bên liên quan xung quanh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, nó cũng diễn ra 3 vấn đề sau đây:

Trước hết, đó cuộc chiến  “ngôn từ” của các bên có liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 8-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi xem những đe dọa này là nghiêm trọng và một lần nữa kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng những lời lẽ hiếu chiến, chấm dứt đe dọa và nghiêm túc chấm dứt các hành vi khiêu khích”.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay, nước này “không bao giờ khoan dung những hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên”. Ông Suga chỉ trích CHDCND Triều Tiên không từ bỏ các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa bất chấp kêu gọi của cộng đồng quốc tế. Ông Suga còn cho biết, trong khi phối hợp chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và các nước liên quan khác, Nhật Bản đang tập trung thu thập, phân tích thông tin về các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cảnh báo CHDCND Triều Tiên phải ngừng ngay lập tức những phát biểu và hành động có thể đưa Bình Nhưỡng đến chỗ tự hủy diệt. Seoul sẽ đáp trả một cách “cứng rắn và không thương tiếc” đối với những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Hai là, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) gia tăng áp lực. Đó là nghị quyết mới đây của HĐBA LHQ do Mỹ đề xuất đã được thông qua áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên - nghị quyết mạnh mẽ và quyết liệt nhất kể từ năm 2006 đến nay.

Nghị quyết yêu cầu các nước thành viên LHQ kiểm tra mọi thương vụ đến và đi từ CHDCND Triều Tiên, bằng đường bộ, đường biển hay hàng không. Nghị quyết quy định cấm vận hoàn toàn về các loại vũ khí quy ước và các trang thiết bị dùng cả trong quân sự và dân sự. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng bị cấm xuất khẩu một số khoáng sản, đặc biệt là than, quặng sắt...

Ngay lập tức, Hàn Quốc cũng đưa ra hàng loạt các biện pháp riêng rẽ khác nhằm vào Bình Nhưỡng...
Ba là, để đối phó với nguy cơ xung đột có thể xảy ra, lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã khai diễn cuộc tập trận hỗn hợp với quy mô lớn chưa từng thấy tại bán đảo Triều Tiên kể từ ngày 7-3.

Sự tham gia của 15.000 quân Mỹ và 300.000 quân Hàn Quốc cùng xe tăng, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân, các tàu tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu và có thể cân nhắc triển khai máy bay ném bom tàng hình... được cho là cuộc biểu dương sức mạnh nhằm cảnh cáo Bình Nhưỡng.

Seoul và Washington khẳng định cuộc tập trận thường niên nói trên hoàn toàn mang tính chất phòng thủ. Song, Bình Nhưỡng luôn xem đây là sự chuẩn bị cho các hành động tấn công.

Ủy ban Quốc phòng - cơ quan quyền lực nhất Triều Tiên - cảnh báo sẽ tiến hành một cuộc tấn công toàn diện chống lại liên quân Mỹ - Hàn. Ủy ban này đe dọa các mục tiêu chủ yếu của Hàn Quốc đang nằm trong tầm bắn của CHDCND Triều Tiên, đồng thời các phương tiện tấn công hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lục địa Mỹ luôn sẵn sàng khai hỏa.

Những diễn biến trên cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang căng thẳng, tạo nên sự đối đầu vô cùng nguy hiểm, có thể xảy ra cuộc xung đột vũ trang, thậm chí có cả vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào, nếu các bên có liên quan không kiềm chế và giải quyết những bất đồng bằng con đường ngoại giao.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.