.

Biển Đông trên bàn nghị sự G7

.

Hội nghị ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada (G7) đã diễn ra tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào ngày 10 và 11-4, nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến vào ngày 26 và 27-5 tới.

Đúng như các nhà quan sát dự đoán, ngoài những vấn đề về kinh tế, chống khủng bố, an ninh hạt nhân, di cư…, các ngoại trưởng đề cập vấn đề Biển Đông. Tuyên bố chung đã phản đối “bất cứ hành động đơn phương có tính chất đe dọa, cưỡng ép hoặc khiêu khích có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng” ở Biển Đông; đồng thời nêu tầm quan trọng của tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, cảnh báo chống lại các hành động - như bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn, vốn đang phá hoại sự ổn định của khu vực.

Như vậy cho thấy, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn các nhà lãnh đạo G7 thể hiện sự đoàn kết trong lập trường đối phó với các vấn đề ở châu Á. Với tư cách là nước chủ nhà, Nhật Bản đang phối hợp với các quốc gia khác trong nhóm G7 để nêu vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông và CHDCND Triều Tiên vào Tuyên bố chung mà hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến đưa ra vào tháng tới. Tokyo hy vọng tuyên bố chung này sẽ phản ánh những lo ngại về căng thẳng leo thang ở Biển Đông, Biển Hoa Đông dù có thể không chỉ đích danh Trung Quốc là “thủ phạm”.

Diễn biến trên cho thấy Tokyo đã phớt lờ cảnh báo được Bắc Kinh liên tục đưa ra gần đây. Theo đó, Nhật Bản “sẽ cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ song phương nếu đề cập vấn đề Biển Đông tại hội nghị G7” (?!).

Bởi vậy, ngay lập tức Trung Quốc lên tiếng bày tỏ sự tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo nhấn mạnh: “Chúng tôi hối thúc các quốc gia thành viên G7 tôn trọng cam kết của mình không đứng về bên nào trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ”; đồng thời nói rằng G7 nên tập trung vào hợp tác và quản trị nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế suy yếu, thay vì kích động các tranh chấp (?!).

Sự tức giận cũng như sự hung hăng của Trung Quốc không làm cho cộng đồng quốc tế nói chung, G7 nói riêng phải lùi bước trước những toan tính độc chiếm Biển Đông của họ. Bởi trên thực tế, giữa lời nói và hành động của Trung Quốc luôn không đi đôi với nhau.

Họ không chịu tiến hành đàm phán hòa bình với các quốc gia có liên quan trong việc tranh chấp ở Biển Đông, mà ngày càng ngang nhiên tiến hành các hoạt động bồi lấp các đảo nhân tạo; xây dựng các bến cảng, đường băng, công trình quân sự; thậm chí đưa tên lửa, quân đội ra đồn trú ở Hoàng Sa và các đảo ở Trường Sa mà họ cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam.

Các tàu hải giám, tàu cá giả danh của Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động gây hấn, phá hoại các tàu cá của ngư dân các nước trong khu vực đang đánh bắt hải sản ở vùng biển chủ quyền của mình. Họ ngang ngược cho rằng, quốc gia này có mọi quyền để xây dựng trên quần đảo Trường Sa và không có rắc rối gì với tự do hàng hải, hàng không đối với Biển Đông (?).

Một câu hỏi được đặt ra là nếu Trung Quốc thực tâm giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông với các nước có liên quan, thông qua đàm phán hay thông qua tòa trọng tài quốc tế để giải quyết công bằng, hợp lý, thì tại sao Bắc Kinh cứ lặp đi lặp lại rằng sẽ không chấp nhận, cũng không tham gia bất kỳ tòa trọng tài nào, như trường hợp Philippines kiện họ ra tòa trọng tài quốc tế là một ví dụ cụ thể.

Chính lời nói không đi đôi với hành động đó của Bắc Kinh đã làm cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, không tin tưởng. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn thì Trung Quốc sẽ có những bước leo thang vô cùng nguy hiểm, thậm chí gây ra xung đột vũ trang nằm cưỡng đoạt khu vực rộng lớn ở Biển Đông để biến thành “ao nhà” của họ, rồi tiến tới kiểm soát, ngăn chặn sự tự do hàng hải, hàng không ở khu vực vô cùng quan trọng của thế giới.

Vì thế, việc hội nghị ngoại trưởng vừa qua và hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới bày tỏ sự quan ngại về căng thẳng leo thang ở Biển Đông sẽ là cảnh báo cần thiết, nhằm kêu gọi các bên có liên quan hướng đến giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa vào luật pháp và công ước quốc tế.

Diễn biến trên cũng hàm ý rằng, vấn đề Biển Đông đặt lên bàn nghị sự thượng đỉnh G7 càng tô đậm mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về những nguy cơ của nó tác động tới an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và hòa bình trong khu vực; đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với Bắc Kinh rằng nên thúc đẩy “sự trỗi dậy trong hòa bình” và hãy hành động là một quốc gia thành viên của LHQ có trách nhiệm.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.