Nếu cuộc chiến chống khủng bố đã làm cả thế giới phải hao người tốn của suốt nhiều thập niên qua, thì cuộc chiến chống tham nhũng, trốn thuế và nạn rửa tiền cũng không kém phần gay go quyết liệt. Nó đã làm sự phát triển của kinh tế và xã hội của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, thậm chí phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng.
Cuộc chiến này diễn ra dai dẳng và nguy cơ lan thành “cơn dịch” trên quy mô toàn cầu, ẩn chưa nhiều hiểm họa, mới đây là vụ rò rỉ tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca (Panama). “Tài liệu Panama” “điểm danh” 12 cựu và đương kim lãnh đạo các nước (tổng thống và thủ tướng), 128 chính trị gia và quan chức (chưa kể bạn bè và người thân của họ) ở Liên minh châu Âu (EU), Nga, Brazil, Trung Quốc, Pakistan, Ai Cập và những nước khác.
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama và có văn phòng tại hơn 35 nước trên thế giới, cung cấp cho báo Sueddeutsche Zeitung (Nam Đức, SZ). Số tài liệu ghi lại hoạt động hằng ngày của Công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975), cho thấy công ty này đã giúp khách hàng trốn thuế và rửa tiền thông qua việc thành lập hoặc quản lý 214.000 “công ty ma” tại 21 “thiên đường trốn thuế” và cho các khách hàng đến từ 200 quốc gia khác nhau.
SZ sau đó chia sẻ thông tin với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và một số tập đoàn truyền thông thế giới, trong đó có tổ hợp truyền thông ABC của Úc, để huy động 107 báo, đài tại 76 quốc gia cùng điều tra.
Riêng ABC đã tìm thấy hơn 1.000 đầu mối có liên quan đến công dân nước này, bao gồm chi tiết cá nhân và bản sao hộ chiếu của hàng trăm người.
Các nhà quan sát chính trị cho rằng, đây chắc chắn là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử. Hiện chỉ một phần thông tin được công bố. Nhiều quốc gia lên tiếng sẽ tiến hành điều tra vụ việc.
Tờ Le Figaro số ra ngày 5-4 tin rằng, vụ tai tiếng toàn cầu này sẽ gây ra dư chấn mạnh và nhiều quốc gia có nguy cơ bị chao đảo. Trước mắt, tại Iceland, Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson phải từ chức sau khi bị cáo buộc sử dụng một công ty “bình phong” để che giấu các khoản đầu tư trị giá hàng triệu bảng Anh.
Vụ việc này được nhiều phương tiện truyền thông quốc tế cho là vô cùng “ghê tởm” bởi những cái tên được phát hiện, từ Quốc vương Saudi Arabia đến Tổng thống Argentina, Thủ tướng Iceland... đến cả những người thân cận các nhà lãnh đạo đã về hưu hay đang nắm quyền. Tổng cộng danh sách có tên của 128 nhân vật chính trị cao cấp trên toàn thế giới (thẩm phán cấp cao, thống đốc ngân hàng trung ương, bộ trưởng, nghị sĩ...), nằm bên cạnh các trùm ma túy, các tỷ phú và danh thủ bóng đá...
Việc tiến hành giải mã các tài liệu khiến các nhà điều tra cảm thấy “chóng mặt”. Nó cho thấy rõ “tiền bẩn” được đặt cạnh “tiền sạch”, các dòng vốn “xám” đến từ việc lậu thuế lẫn chung cùng với “tiền đen” có từ các hoạt động tội ác, buôn lậu, tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Song, ở một khía cạnh khác cũng cho thấy có những toan tính nào đó khi tung ra vụ việc.
Hiện Công ty Mossack Fonseca vẫn tuyên bố việc công bố “Tài liệu Panama” với những chi tiết về tài chính cá nhân của các khách hàng của hãng này là “đòn tấn công” nhằm vào Panama. Đại diện công ty này khẳng định Mossack Fonseca, vốn hoạt động suốt 4 thập kỷ qua và thành lập 240.000 chi nhánh trên toàn thế giới, chưa khi nào bị kết án hay bị cáo buộc về bất kỳ sai phạm nào.
Trang mạng Moonofalabama cho rằng, việc tung dữ liệu một cách có lựa chọn và tính toán nhằm hai mục đích: bôi nhọ những tổ chức, cá nhân mà Mỹ và các đồng minh “ghét bỏ”; cảnh báo những nhân vật quan trọng đã nằm trong “sổ theo dõi” nhưng chưa “được” công bố, rằng họ hoàn toàn có thể bị lôi ra ánh sáng và theo cách này thì “Tài liệu Panama” là một “công cụ tống tiền hoàn hảo”.
Trong khi đó, cựu Đại sứ Anh Craig Murray nói rằng, nếu “Tài liệu Panama” là câu chuyện có thật đi chăng nữa, thì điều đáng bàn hơn cả là “những ý định giấu kín” của các tổ chức đang điều khiển việc “lộ lọt” này. Nói cách khác, các tổ hợp truyền thông chỉ ra tay theo chỉ đạo trực tiếp từ một nghị trình cấp chính phủ của một nước phương Tây.
Cái tên ICIJ gợi lên điều gì? Đó là một tổ chức do Trung tâm minh bạch công (CPI, Mỹ) bảo trợ về tài chính và tổ chức. “Đóng quỹ” chống lưng cho ICIJ gồm quỹ Ford, quỹ Carnegie Endowment; quỹ W.K.Kellogg Foundation; Viện Xã hội mở (của trùm tài phiệt G.Soros). ICIJ lại là một thành viên của Đề án Điều tra tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP), được bảo trợ tài chính của chính quyền Mỹ thông qua Cơ quan Hỗ trợ phát triển Mỹ (USAID).
Nhưng dù ở khía cạnh nào đi chăng nữa thì sự việc đòi hỏi từng quốc gia và cộng đồng quốc tế cấp bách tiến hành một cuộc chiến toàn cầu chống lại các tập đoàn “bình phong” và các “thiên đường trốn thuế”. Bởi nạn biển thủ công quỹ, gian lận thuế, rửa tiền... trên diện rộng tác động xấu đến gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho kinh tế và xã hội của các quốc gia.
TUYẾT MINH