.

Lửa đang cháy bị đổ thêm dầu

.

Kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, khu vực Trung Đông được ví như một chảo lửa, mà sức nóng của nó dường như mỗi ngày một gia tăng do các cuộc chiến tranh xâm lược, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành quyền lực…, làm hàng triệu người thiệt mạng, hàng chục triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Hiện nay, các quốc gia trong khu vực như Iraq, Lybia, Syria, Yemen… đang đối phó với hàng loạt vấn đề vô cùng nghiêm trọng do chủ nghĩa khủng bố mà đứng đầu là Al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các phần tử chống đối khác gây ra, tạo nên cuộc khủng hoảng vô cùng tồi tệ.

Các nhà quan sát chính trị quốc tế ví tình hình Trung Đông hiện nay không chỉ là “chảo lửa” mà trở thành “biển lửa” bùng cháy dữ dội, đẩy cả trăm triệu người ở đây rơi vào một thảm họa nhân đạo vô cùng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, biển lửa chưa bị dập tắt, thì Israel - quốc gia đang có cuộc xung đột với Palesstine và tranh chấp lãnh thổ với Syria - có hành động đổ thêm dầu vào lửa, mà nguyên nhân sâu xa là vì dầu.

Trong cuộc chiến tranh 6 ngày vào năm 1967, Israel đã chiếm 1.200 km2 diện tích cao nguyên Golan của Syria, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ Israel trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Từ đó đến nay, cao nguyên Golan luôn là tâm điểm gây ra các cuộc xung đột và đối địch giữa Syria với Israel cũng như giữa Israel với các quốc gia trong khu vực Trung Đông.

Ngày 17-4, cuộc họp nội các của Israel lần đầu tiên được tổ chức tại cao nguyên Golan, Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngang ngược tuyên bố rằng, cao nguyên này sẽ “vĩnh viễn thuộc sự kiểm soát của Israel” và nước này “sẽ không bao giờ rút khỏi cao nguyên Golan”.

Nguyên nhân cốt lõi để Israel tuyên bố như trên không chỉ là bành trướng lãnh thổ, mà còn nguyên nhân sâu xa khác là các chuyên gia địa chất Israel công bố đã phát hiện dầu mỏ tại cao nguyên Golan với trữ lượng vô cùng lớn, đủ đáp ứng nhu cầu của quốc gia này trong rất nhiều năm tới.

Ngay sau khi Israel có những tuyên bố nói trên, các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Kuwait giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và cộng đồng quốc tế ngăn chặn các nỗ lực của Israel nhằm thay đổi hiện trạng pháp lý và nhân khẩu tại khu vực chiếm đóng cao nguyên Golan.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 thành viên đã gọi những tuyên bố của ông Netanyahu là “hành động kích động”, là “sự leo thang nghiêm trọng, vi phạm trắng trợn các nghị quyết và luật pháp quốc tế”.

Hội đồng quốc gia về nhân quyền của Ai Cập (NCHR) ra tuyên bố khẳng định người Syria có quyền bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình và hoàn toàn có cơ sở đòi lại các vùng đất bị chiếm đóng. NCHR cũng cho rằng, tuyên bố của Thủ tướng Israel đã “phớt lờ các quy tắc và luật pháp quốc tế”.

Trong khi đó, phát biểu trước cuộc họp của các nhà tài trợ quốc tế ủng hộ nền kinh tế Palestine diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 24-4, bà Mogherini, Cao ủy đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) nói: “EU công nhận Israel với các đường biên giới trước năm 1967 bất kể tuyên bố chủ quyền của chính phủ này với các khu vực khác, cho đến khi một giải pháp cuối cùng được ký kết và đây là quan điểm chắc chắn của EU cùng các nước thành viên”.

Ngày 26-4, HĐBA LHQ  bác bỏ tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu về chủ quyền vĩnh viễn của Israel đối với cao nguyên Golan. Với tư cách Chủ tịch HĐBA trong tháng này, Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất nhắc lại Nghị quyết 1981 quy định rằng việc Israel “quyết định áp đặt luật pháp, thẩm quyền và quản lý hành chính tại cao nguyên Golan bị chiếm đóng của Syria là không có giá trị và không có bất kỳ ảnh hưởng pháp lý quốc tế nào”. Ông Lưu Kết Nhất cho biết, các thành viên HĐBA đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về những tuyên bố của Israel và nhấn mạnh vị thế không thay đổi của Golan.

Việc Israel tuyên bố chủ quyền cao nguyên Golan trong bối cảnh Syria đang diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu và đang chống trả quyết liệt chủ nghĩa khủng bố IS và Al-Qaeda là hành động “đục nước béo cò”. Không những vậy, tuyên bố đó của Thủ tướng Netanyahu càng thể hiện tham vọng mở rộng vùng lãnh thổ bất hợp pháp, không thực tâm đi vào giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine và ngày càng bị cô lập với các quốc gia trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Nguy hiểm hơn, động thái của Israel phát đi tín hiệu là sẽ có các cuộc xung đột vũ trang giữa nước này với Syria nói riêng cũng như các tổ chức như phong trào Hồi giáo Hezbollah, Hamas... lâu nay vốn chống Tel Aviv một cách quyết liệt.

“Chảo lửa” khu vực Trung Đông đang cháy lại bị đổ thêm dầu mà nguyên nhân bởi tham vọng lãnh thổ và vì dầu.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.