Quan sát & Bình luận

Phần nổi của tảng băng

08:15, 11/04/2016 (GMT+7)

Chưa bao giờ chính trường thế giới lại chấn động với hàng loạt bê bối như lúc này, khi “Tài liệu Panama” được công bố, “điểm mặt” khoảng 140 chính trị gia và quan chức, trong đó có 12 cựu/nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đã trốn thuế hoặc liên quan đến việc trốn thuế, rửa tiền, che giấu số tài sản khổng lồ. Ngoài ra, còn có các tỷ phú, các ngôi sao bóng đá và giải trí, các trùm băng đảng mafia.

“Tài liệu Panama” là cú sốc lớn đối với thế giới, bởi qua đó cho thấy trốn thuế là vấn đề nan giải mang tính toàn cầu, nhất là khi việc trốn thuế lại liên quan đến các nhân vật tầm cỡ, những người tưởng như luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ một cách mẫu mực, trong đó có nghĩa vụ nộp thuế.

Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải chỉ là phần nổi của tảng băng; 11,5 triệu trang tài liệu bị rò rỉ của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama được tung ra nhằm mục đích gì, có phải thật sự bị hacker hay không; vì sao người Mỹ “vắng bóng” trong “Tài liệu Panama”… Đáng nói là có đến hơn 200 công ty vỏ bọc (công ty ma) tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ được nhắc đến trong “Tài liệu Panama”. Điều này cho thấy quy mô “khủng” của “thiên đường trốn thuế” mà Mossack Fonseca đã tạo ra cho giới người giàu và quyền lực.

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới phải từ chức do những áp lực sau vụ rò rỉ “Tài liệu Panama”. Chính phủ mới của tân Thủ tướng Iceland Sigurdur Ingi Johannsson may mắn “sống sót” trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 8-4 vừa qua, nhưng không có nghĩa là sóng gió sẽ vơi trên chính trường nước này trong những ngày tới.

Giờ đây, Tổng thống Argentina Mauricio Macri và Thủ tướng Anh David Cameron chẳng khác gì ngồi trên đống lửa.  Tổng thống Macri khẳng định ông không có gì phải che giấu về sự liên quan của mình với một công ty ở nước ngoài  trong “Tài liệu Panama” và ông luôn tuân thủ luật pháp.

Cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez, người mới rời nhiệm sở sau 8 năm nắm quyền, cũng đang bị điều tra do cáo buộc rửa tiền. Tuy bà Fernandez không bị “Hồ sơ Panama” nhận diện nhưng làm niềm tin của người dân vào các quan chức ở quốc gia lớn thứ hai của Nam Mỹ đang giảm sút. Tổng thống Macri đã bác bỏ mọi cáo buộc nhưng có những đồn đoán rằng, chính phủ hiện tại muốn dùng vụ bà Fernandez để xua tan sự chú ý nhằm vào ông Macri.

Trong khi đó, hàng trăm người xuống đường biểu tình ở London, kêu gọi ông Cameron hoặc “bịt lỗ hổng thuế”, hoặc từ chức. Ban đầu, Thủ tướng Cameron nói rằng, ông không hưởng lợi từ bất kỳ quỹ nào ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau đó, người đứng đầu nhà số 10 phố Downing đã công việc việc đóng thuế cá nhân, xác nhận ông và vợ được lợi nhuận 19.000 bảng Anh khi bán cổ phần của họ trong quỹ Blairmore Holdings năm 2010. Ông cũng thừa nhận việc được thừa kế 300.000 bảng khi cha ông qua đời năm 2010…

Hàng loạt nước cam kết điều tra về “Tài liệu Panama”. Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đã hứa hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với các hoạt động tài chính và dịch vụ doanh nghiệp sai trái. Song, dư luận các nước đang bất bình vì những góc khuất của giới nhà giàu và quyền lực. Có thể nhiều điều sẽ được tiết lộ hơn nữa, và cũng có thể vụ “đại án” chưa từng có này không dừng lại ở những cái tên đã được công bố.

VĨNH AN

.