Vấn đề nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU (Brexit) không chính thức được đặt trên bàn nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7) ở tỉnh Mie (Nhật Bản) trong tuần qua. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo G7 không thờ ơ trước một kịch bản xấu có thể xảy ra: Người dân Anh sẽ bỏ phiếu ủng hộ phương án Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 tới.
G7 cho rằng, kịch bản Brexit nếu xảy ra sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế toàn cầu bởi Anh là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Và dù muốn hay không thì khối gồm 28 quốc gia này vẫn phải thừa nhận “sự đổ vỡ” từ nội tại.
“Sự đổ vỡ” đó từng được giới phân tích ví là “vết nứt trên đỉnh núi” và khó đoán định “vết nứt” sẽ lan đến đâu, gây ra hậu quả như thế nào, hay sẽ tạo ra “hiệu ứng domino” nào đó. “Việc Vương quốc Anh rời EU sẽ làm đảo lộn xu thế thương mại và đầu tư toàn cầu cũng như số việc làm do xu thế ấy tạo ra, đồng thời là nguy cơ nghiêm trọng hơn đối với sự phát triển”, Tuyên bố chung dày 32 trang của Hội nghị thượng đỉnh G7 nhấn mạnh.
Không những thế, Brexit còn được các nhà lãnh đạo G7 xếp chung với các xung đột chính trị, khủng bố và làn sóng tị nạn, nghĩa là vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến khu vực và thế giới, chứ không phải là chuyện gói gọn trong nội bộ một quốc gia.
Song, khi cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 cận kề, các nhà lãnh đạo G7 chỉ biết chờ đợi với niềm hy vọng người dân Anh sẽ không quay lưng với EU. Song, kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc vào cử tri, và họ sẽ phải trả lời “có/không” cho câu hỏi: “Vương quốc Anh có nên tiếp tục là thành viên của EU hay rời EU?”.
Pháp và Đức đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch chung cho tương lai của EU sau cuộc trưng cầu dân ý của Anh, bất chấp kết quả ra sao, mặc dù giới chức EU trước đó khẳng định sẽ không có bất kỳ “kế hoạch B” nào. Chưa rõ “kế hoạch B” này sẽ cứu vãn tương lai của EU ra sao.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, “Brexit” sẽ là một tin xấu đối với không chỉ kinh tế Anh hay kinh tế châu Âu mà còn với kinh tế thế giới vì kịch bản này sẽ tạo ra một làn sóng dịch chuyển vốn cũng như một vài động thái không có lợi cho nước Anh và châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn Anh ở lại, bởi Đức - với tư cách là thành viên lớn nhất của EU - muốn bảo vệ sự toàn vẹn của khối, dù bà là người phản đối việc EU phải tiến hành cải tổ theo đề xuất của Thủ tướng Anh David Cameron.
Thủ tướng Anh David Cameron như ngồi trên đống lửa. Dĩ nhiên ông muốn đất nước mình ở lại EU để tránh những hệ lụy to lớn về sau. Nhà lãnh đạo này cũng bác bỏ những thông tin cho rằng, ông đã bí mật ủng hộ một cuộc bỏ phiếu rời EU.
Tuy nhiên, ngay cả ông Cameron cũng không biết người dân của mình sẽ lựa chọn như thế nào, bởi theo thăm dò thì tỷ lệ nói “có” và “không” hiện ngang nhau, đó là chưa kể những người chưa quyết định. Ông chỉ biết kêu gọi cử tri Anh “nên lắng nghe những người bạn, nên lắng nghe những người muốn chúng ta thực hiện những điều tốt đẹp, những người mong ước điều tốt đẹp cho chúng ta trên thế giới”.
Có thể rồi nước Anh sẽ tìm ra con đường đi riêng, dù kết quả trưng cầu dân ý có như thế nào đi chăng nữa, như ông Cameron đã nói. Tuy nhiên, lâu nay, nước Anh luôn gắn liền với châu Âu kèm theo những quyền lợi và nghĩa vụ.
Nếu rời EU, các lợi ích của người Anh tại EU sẽ bị đình chỉ, và tất nhiên kèm theo là những hệ lụy về kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng và ngoại giao. Đây sẽ là bài toán khó. Nhưng nếu ở lại mà giữa Anh với EU vẫn có những bất đồng thì đó cũng là bài toán khó, nhất là khi giới chức Anh kiên quyết ngăn chặn dòng người di cư từ các nước EU sang Anh quốc và xin hưởng các phúc lợi về việc làm, nhà ở.
VĨNH AN