.

Nỗi lo của Ankara chưa có lời giải

.

Vụ tấn công bằng cách xả súng, nổ bom liều chết kinh hoàng xảy ra đêm 28-6 (sáng sớm 29-6, giờ Việt Nam) nhằm vào sân bay Ataturk lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đứng thứ ba ở châu Âu, nằm ở thành phố Istanbul, làm ít nhất 41 người chết và hơn 200 người bị thương đã gia tăng thêm nỗi lo của chính phủ do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đứng đầu.

Thực tế, nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu khá nhiều vụ tấn công khủng bố kinh hoàng do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện. Nhưng gần đây, mối đe dọa khủng bố nhằm vào nước này ngày càng nghiêm trọng hơn, thủ phạm chủ yếu là lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

IS lâu nay sử dụng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ như bàn đạp chủ yếu để tuyển dụng các chiến binh cũng như tiếp tế hậu cần cho các mặt trận do chúng kiểm soát ở Iraq, Syria, Lybia. Do có sự dung dưỡng, bao che của nhiều tổ chức, các cá nhân có quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ nên IS có những cơ sở vững chắc, nắm bắt các quy luật hoạt động của cơ quan tình báo, cảnh sát của nước này.

Một khi chính phủ của Tổng thống Erdogan mạnh tay ngăn chặn sự xâm nhập của các chiến binh IS, nạn buôn lậu, nhất là vũ khí, nhiên liệu, lương thực…, hay tiến hành các vụ tấn công vào các khu vực do IS kiểm soát dọc biên giới với các nước láng giềng, thì chúng lại tiến hành các vụ tấn công khủng bố ngay trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm gây hoang mang trong dân chúng và hạ uy tín chính quyền.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đối mặt với lực lượng ly khai người Kurd, đứng đầu là đảng Công nhân người Kurd (PKK). Hai bên đã có những cuộc đối đầu trực tiếp, gây ra nhiều thương vong. PKK cũng thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố ở các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, gây thương vong cho hàng trăm người.

Tổng thống Erdogan đã nhiều lần cam kết sẽ tiêu diệt IS và PKK, nhưng thực tế không như mong muốn. Đây là bài toán đau đầu của chính phủ Ankara.

Trong khi đó, nhiều thách thức nghiêm trọng khác cũng đặt ra cho Thổ Nhĩ Kỳ. Hiếm quốc gia nào có không gian địa chính trị nhạy cảm hoặc đóng nhiều vai trò quốc tế quan trọng và chồng chéo như Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này là cửa ngõ và là cầu nối đến châu Âu, đặc biệt trong những năm gần đây là mảnh đất cho hàng trăm ngàn người tị nạn Syria và các quốc gia lân cận, gây lo ngại về việc các phần tử khủng bố trà trộn, xâm nhập và gánh nặng về tài chính khi giải quyết bài toán nhập cư.

Cùng với những vấn đề nói trên thì mục tiêu gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ lại có thêm thách thức. Để vào EU, Ankara đã có những nhượng bộ nhất định về các vấn đề về chính trị, kinh tế cũng như quốc phòng - an ninh, nhưng EU đơn phương “đóng băng” đàm phán một nửa trong số 33 “chương” phải được hoàn thiện trước khi gia nhập.

Đặc biệt, một đòn giáng mạnh mẽ mới đây sau sự kiện người Anh nói lời chia tay với EU sau 43 năm gắn bó đã đặt ra nhiều câu hởi cho dư luận Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó cho thấy niềm hy vọng của Tổng thống Erdogan đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU trước năm 2023, khi đất nước này kỷ niệm 100 năm nền cộng hòa, dường như xa vời hơn bao giờ hết.

Một rắc rối khác là mối quan hệ với Nga sau sự cố không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay quân sự của Nga gần biên giới với Syria hồi năm ngoái. Sự “đóng băng” trong quan hệ với Nga làm nền kinh tế của Thổ thiệt hại nặng nề, góp phần đẩy Ankara vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Mặc dù gần đây, Ankara có tín hiệu làm lành với Nga, nhưng chuyện vẫn còn ở phía trước và chắc chắn mối quan hệ đó có khôi phục đi chăng nữa cũng không như ngày xưa.

Trong khi đó, ngay trong nội bộ đảng cầm quyền của Tổng thống Erdogan xảy ra những bất đồng sâu sắc, cả về cách xử lý với IS, PKK lẫn trong quan hệ với Nga, Mỹ, EU, các quốc gia láng giềng, nhất là Syria và Iraq.

Có thể nói, nhìn trên bản đồ địa chính trị thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vị trí vô cùng quan trọng của cả hai lục địa Á - Âu. Hơn thế, nó lại nằm ngay cửa ngõ của khu vực Trung Đông đầy bất ổn, nên quốc gia này vừa có lợi thế về chính trị, kinh tế, quân sự, nhất là chính sách năng lượng…, nhưng cũng vô cùng “nhạy cảm” cho các biến động khó lường trong một xu thế bất ổn mang tính toàn cầu hiện nay. Trong đó, vấn đề tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố… đã và đang là mối lo to lớn và thật sự chi phối mạnh mẽ chính sách hiện nay của chính phủ Tổng thống Erdogan.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.