Buồn bã, lo lắng, thất vọng và bối rối, đó là trạng thái của người dân Anh - những người ủng hộ việc ở lại Liên minh châu Âu (EU). Cuộc bỏ phiếu ngày 23-6 như “cơn địa chấn” buộc Anh phải thừa nhận sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội nước này, đồng thời báo hiệu tương lai không chắc chắn và bất ổn. Bằng chứng là biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Anh trong ngày 2-7 để bày tỏ sự ủng hộ EU và phản đối Brexit (Anh rời EU).
Khoảng 17,4 triệu người đã bỏ phiếu muốn Anh rời EU, trong khi 16,1 triệu người bỏ phiếu ở lại. Số người muốn ở lại đã không thể chiến thắng khi số đông hơn đang nhận thấy “ngôi nhà chung châu Âu” không còn hấp dẫn họ nữa.. Việc Anh quay lưng với EU đang làm châu Âu rơi vào khủng hoảng và 27 nước còn lại đang xoay xở để thích ứng với tình hình mới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker mô tả rằng, “châu Âu đang khủng hoảng sâu sắc” và đây là “khoảng thời gian suy nghĩ, xác định và bàn thảo”.
Thất bại của châu Âu là do cách xử trí đối với hàng loạt vấn đề: từ cuộc khủng hoảng nhập cư đến núi nợ công của Hy Lạp và tương lai của đồng euro. Song, thất bại này dẫn đến cùng một câu hỏi rằng, làm thế nào để EU có liên quan đến tất cả mọi người, dù họ là người Malta, hay Phần Lan, hay Đức.
Đối với nhiều quốc gia trong 28 thành viên, châu Âu vẫn xa vời. Không có “công dân châu Âu” và các công dân của châu Âu thậm chí còn mất niềm tin vào Brussels hơn cả chính phủ của họ.
Theo Reuters, chưa rõ bây giờ châu Âu có thể làm những gì khi lục địa già cỗi này đã không thể làm được từ một thập niên trước. Thách thức của các nhà lãnh đạo châu Âu lúc này có lẽ là phải giải quyết sự bất bình của những người vốn không hài lòng với châu lục. Ông Stefano Micossi tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu nhận định: Các nhà lãnh đạo cần nghĩ về các mục tiêu hữu hình và có thể đạt được, ngay cả khi các mục tiêu này không dễ dàng, để chứng minh với thế giới rằng, EU không những sẽ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn.
Trao đổi với báo Welt am Sonntag ngày 3-7, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cảnh báo, sau cú sốc Brexit, EU phải nhanh chóng lấy lại niềm tin của người dân bằng việc giải quyết các vấn đề khủng hoảng nhập cư, thất nghiệp trong thanh niên và những vấn đề khác, hơn là tranh cãi về thay đổi hiệp ước hay cải cách thể chế. “Đây không phải là lúc cho những tầm nhìn lớn”, ông Schaeuble nói. Ông còn cho rằng, EU đang đối mặt với một cuộc thử nghiệm acid, có lẽ là lớn nhất trong lịch sử của liên minh.
Phát biểu của ông Schaeuble được đưa ra sau khi một số nhà lãnh đạo cấp cao của EU kêu gọi tiến trình hội nhập sâu sắc hơn của 27 thành viên còn lại. Bản thân vị Bộ trưởng Tài chính Đức ủng hộ việc “hội nhập sâu sắc” nhưng “phải hành động, chứ không cần nói lớn”, để mọi người thấy châu Âu có sự khác biệt.
Rất nhiều lời kêu gọi được đưa ra nhằm xua tan bầu không khí u ám nhưng điều này chỉ càng cho thấy các nhà lãnh đạo EU đang lúng túng. Nhiều cường quốc trong EU muốn Anh phải nhanh chóng thúc đẩy “cuộc ly hôn êm thấm” nhưng ngay cả việc đẩy nhanh “tiến trình ly hôn” cũng không dễ dàng.
Các nước đang trông chờ Anh thông báo quyết định rời EU cho Hội đồng châu Âu, tức là khởi động điều 50 Hiệp ước Lisbon về châu Âu. Quả bóng được đá sang Anh, nghĩa là chỉ có nước thành viên có ý định rời liên minh mới có quyền quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức. Và EU quả thật đang đau đầu vì vấn đề Brexit.
VĨNH AN