.

Cuộc "dọn dẹp" đại quy mô

.

Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15-7 cho thấy nước này đang đứng trước hàng loạt thách thức vô cùng nghiêm trọng trong vấn đề đối ngoại và đối nội.

Một câu hỏi được đặt ra: Ai đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang cư trú tại bang Pennsylvania (Mỹ) là kẻ chủ mưu. Ông thúc giục Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen để đối mặt với công lý ở Thổ. Tuy nhiên, giáo sĩ Gulen bác bỏ cáo buộc này và cho rằng, việc bị cáo buộc có liên hệ với một vụ đảo chính là điều đặc biệt xúc phạm đến ông.  

Có tin bóng gió trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng, Mỹ dính líu tới cuộc đảo chính. Trong khi đó, lại có thông tin cho rằng, chính phủ của Tổng thống Erdogan dàn dựng để thanh trừng phe đối lập và tiếp tục củng cố quyền lực.

Tuy nhiên, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã bác bỏ những cáo buộc rằng vụ đảo chính bất thành đã được dàn dựng để ông Erdogan củng cố quyền lực.

Trong khi các bên liên quan đổ lỗi cho nhau thì chính phủ của Tổng thống Erdogan đã tiến hành “cuộc dọn dẹp” được cho là “đại quy mô” trên cả nước.

Theo AFP, tính đến ngày 19-7, tổng cộng 7.543 quân nhân và thẩm phán bị tạm giữ, gần 9.000 cảnh sát và viên chức bị cách chức. Trong danh sách những người bị tạm giữ còn có 103 viên tướng và đô đốc hải quân, trong đó có hai người bị nghi ngờ cầm đầu âm mưu đảo chính. Trong số các quân nhân bị bắt có 2 phi công đã tham gia vụ bắn hạ máy bay ném bom Nga ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu 1.577 trưởng khoa các trường đại học từ chức do bị nghi liên quan đến vụ đảo chính. Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ thông báo hơn 15.000 nhân viên ngành này bị đình chỉ công việc và một cuộc điều tra được tiến hành. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã rút giấy phép hoạt động của tất cả các đài phát thanh và truyền hình có liên quan đến giáo sĩ Gulen. Văn phòng Thông tin và Báo chí của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thu hồi thẻ nhà báo của 34 phóng viên được cho là có quan hệ với giáo sĩ Gulen.

Đáng chú ý là Tổng thống Erdogan đang thúc đẩy việc khôi phục án tử hình nhằm kịp thời xét xử những kẻ chủ mưu đảo chính.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra không kém phần phức tạp cho chính phủ của Tổng thống Erdogan là “cuộc dọn dẹp” đại quy mô này vẫn còn một lỗ hổng lớn, đó là hơn 40 trực thăng, 15 tàu chiến và hàng trăm người cả trong lẫn ngoài quân đội tham gia đảo chính đã biến mất, hoặc cư trú ở các nước láng giềng, hoặc một nơi nào đó. Ngoài ra, hàng vạn công chức, giáo viên, nhà báo, binh sĩ, cảnh sát… bị loại khỏi bộ máy nhà nước sẽ là nguy cơ tiềm ẩn cho sự ổn định đất nước.

Trong khi đó, “cuộc dọn dẹp” đại quy mô của chính phủ Tổng thống Erdogan đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Các chuyên gia của Hội đồng châu Âu lên án vụ bắt giữ hàng loạt thẩm phán, cho rằng đây “không phải biện pháp có thể chấp nhận để khôi phục nền dân chủ”.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen bày tỏ hoài nghi về kế hoạch miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu (EU). Theo chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) nói trên, việc Thổ Nhĩ Kỳ cách chức nhiều thẩm phán sau âm mưu đảo chính bất thành là vi phạm nhân quyền và xâm phạm những quy định của nhà nước pháp quyền, một “ranh giới đỏ” để đàm phán thành công với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới việc miễn thị thực cho công dân nước này vào châu Âu.

Liên Hợp Quốc khẳng định việc “tôn trọng các quyền cơ bản” như “tự do ngôn luận” và tổ chức “các phiên tòa theo luật định” là điều cốt lõi để giữ gìn dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng hối thúc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong quá trình truy bắt những người liên quan vụ đảo chính.

Diễn biến đó cho thấy, chính trường của Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn ngay trong chính sách đối nội và đối ngoại. Mặt khác, những bất ổn trong khu vực, nạn khủng bố sẽ là tác nhân không kém phần phức tạp buộc chính phủ của ông phải đối phó. Nếu “cuộc dọn dẹp” của ông Erdogan không khôn ngoan, không có độ dừng sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào cuộc bất ổn khác, đẩy lực lượng chống đối đi vào con đường cực đoan hơn; hơn thế, sự cô lập trên trường quốc tế sẽ gia tăng và việc Ankara gia nhập EU sẽ trở nên xa vời.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.