.

Động thái cho cuộc "viễn chinh"?

.

Ngày 5-7, Trung Quốc bắt đầu diễn tập quân sự kéo dài 1 tuần ở khu vực bao trùm cả vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với sự tham gia của nhiều chiến hạm áp chủ bài thuộc 3 hạm đội chủ chốt của hải quân Trung Quốc. Động thái này của Trung Quốc gây sự chú ý của dư luận trong khu vực và quốc tế với những vấn đề đáng quan tâm sau đây:

Một là, Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ngày 12-7 sẽ ra phán quyết về “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc vạch ra gần như liếm trọn Biển Đông do Philippines khởi kiện.

Nhiều tháng qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết của PCA nếu không có lợi cho họ. Nhưng mặt khác, Trung Quốc lại nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền quốc tế về quan điểm của mình. Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp với các nhà ngoại giao và báo giới, tích cực thể hiện và tung ra quan điểm của họ ra khắp thế giới qua hàng loạt bài viết và xã luận mang tính học thuật rằng Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, là “vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc hàng ngàn năm nay” (?!).

Cho nên, hành động tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở khu vực bao trùm cả vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong thời điểm PCA sắp ra phán quyết là một thách thức với cộng đồng quốc tế. Dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, đây là cuộc diễn tập thường niên theo kế hoạch nhưng dư luận quốc tế đều cho rằng, cuộc diễn tập nhằm “phô diễn cơ bắp”, mang sắc thái đối chọi rõ ràng với vụ kiện Biển Đông mà Philippines theo đuổi nhiều năm.

Hai là, vào tháng 2 vừa qua, Bắc Kinh đưa máy bay tiêm kích và đặt hai giàn tên lửa phòng không với tầm bắn 200km trên đảo Hoàng Sa. Còn với các đảo khác mà họ chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở Trường Sa, Trung Quốc cho tiến hành cải tạo, bồi lấp và xây dựng nhiều công trình quân sự với quy mô lớn.

Binh lực tham gia cuộc diễn tập lần này có nhiều chiến hạm áp chủ bài của 3 hạm đội lớn thuộc hải quân Trung Quốc đã tề tựu về quân cảng Tam Á ở Hải Nam. Đó là tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương thuộc Hạm đội Bắc Hải, tàu khu trục tên lửa Ninh Ba Dương và tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Triều Châu Dương thuộc Hạm đội Đông Hải. Đương nhiên, do cuộc diễn tập này diễn ra ở Biển Đông nên không thể thiếu sự tham gia của các tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải.

Việc tiến hành tập trận cho thấy, Trung Quốc đưa ra một thông điệp mang tính quân sự để đe dọa các nước trong khu vực, nhất là các nước có liên quan đến Biển Đông. Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời giới quan sát nhận định thời gian và địa điểm của đợt tập trận rõ ràng là một thông điệp khiêu khích, mang tính “dằn mặt” về những diễn biến tiếp theo sau phán quyết của PCA. Một số chuyên gia đã cảnh báo Bắc Kinh có thể sẽ đẩy mạnh hành động để tiến tới đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Ba là, đúng vào ngày Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận ở Hoàng Sa, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài xã luận cho rằng, nước này phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự. Theo Thời báo Hoàn cầu, “quỹ đạo” của tình hình tranh chấp trên Biển Đông sẽ được định hình thông qua ý định của các nước lớn. Tuy báo này không nói rõ là đối đầu quân sự với ai, nhưng chắc là ám chỉ Mỹ.

Vào lúc hải quân và không quân Trung Quốc huy động nhiều chiến hạm và phi cơ tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, một lực lượng của hải quân Mỹ, trong đó có cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã di chuyển đến khu vực Biển Đông. Theo lời một Tư lệnh của Mỹ, nhiệm vụ của lực lượng này là bảo đảm quyền tự do hàng hải cho mọi người trong vùng Biển Đông.

Tuy không phải là một trong những quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng Mỹ sẽ không để Trung Quốc độc chiếm vùng biển này. Có dấu hiệu cho thấy, việc phán quyết mà PCA dự kiến đưa ra ngày 12-7 sẽ đánh dấu một bước mới đến gần nguy cơ xung đột Mỹ - Trung ở vùng này.

Những diễn biến trên cho thấy, cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc bao trùm cả vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngay trước ngày PCA ra phán quyết là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Mặt khác, hành động đó của Trung Quốc mang tính đe dọa đến các nước có liên quan, đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải, hàng không; đồng thời cũng bộc lộ âm mưu cho quá trình chuẩn bị, tập dượt để quân đội nước này tiến hành cuộc “viễn chinh” nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông như họ từng tuyên bố.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.