Quan sát & Bình luận

Hiểm họa từ những kẻ cực đoan đơn lẻ

08:53, 28/07/2016 (GMT+7)

Kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, tuy có những biến động khác nhau nhưng chưa bao giờ xã hội của châu Âu lại chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn khó lường như hiện nay. Bất ổn đang ập đến với nhiều quốc gia của “lục địa già” này không chỉ là sự chia rẽ của Liên minh châu Âu (EU) sau sự kiện Brexit (Anh rời EU), mà còn là sự xuất hiện dày đặt các vụ tấn công gây chết người mang tên “khủng bố” nhưng lại xuất phát từ hai phương diện hữu hình (có tổ chức) và vô hình (không có tổ chức và xuất hiện đơn lẻ).

Tính từ cuối năm 2015 đến nay, các quốc gia như Pháp, Bỉ, Đức... liên tiếp xảy ra hàng chục vụ tấn công khủng bố kinh hoàng, làm hàng trăm người chết và bị thương.

Riêng tại Pháp, liên tiếp có các vụ khủng bố ngay ở thủ đô và các thành phố khác, thậm chí ngay trong ngày Quốc khánh. Vụ việc mới nhất là sáng 26-7, hai kẻ khủng bố tấn công nhà thờ ở Saint-Etienne-du-Rouvray, gần thành phố Rouen, phía tây bắc nước Pháp, bắt giữ con tin và giết hại cha xứ. Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ này.

Cùng ngày, một kẻ tấn công bắn bị thương một người đàn ông ở trung tâm mua sắm tại thành phố Malmo (Thụy Điển).

Còn tại Bỉ, bọn khủng bố đã nhằm vào sân bay, các tụ điểm sinh hoạt công cộng. Đến nay, tình hình an ninh của nước này cũng nằm trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng an ninh và cảnh sát.

Trong khi đó, Đức - quốc gia được cho là có nền an ninh công cộng tốt nhất ở châu Âu - nhiều tuần qua liên tiếp có các vụ tấn công khủng bố. Chiều 26-7, một vụ nổ súng xảy ra tại Bệnh viện Đại học Benjamin Franklin thuộc quận Berlin-Steglitz ở Berlin làm một người thiệt mạng. Một người đàn ông đã dùng súng bắn bị thương một bác sĩ và sau đó đối tượng tự sát bằng súng. Trước đó, đã có 4 vụ tấn công liên tiếp ở Đức kể từ ngày 18-7, làm ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Những vụ việc ở Nice (Pháp) hay vụ xả súng ở Munich (Đức) cho thấy chỉ có một đối tượng đơn lẻ đứng ra thực hiện toàn bộ vụ tấn công nhưng vẫn có thể gây ra những thương vong rất lớn. Đây là điều đáng quan ngại ở châu Âu trong thời điểm hiện nay.

Nhật báo La Croix (Pháp) số ra ngày 27-7 có bài viết Sự điên rồ mang tính khủng bố nhận định: Các vụ tấn công vừa mang tính khủng bố, vừa điên rồ xảy ra tại Pháp và Đức trong những ngày gần đây đều cho thấy sự bất ổn tâm lý của những kẻ đã gây tội ác. Nói cách khác, các vụ tấn công mang tên khủng bố đang xuất hiện dưới dạng đơn độc chứ không có tổ chức chặt chẽ, sẽ gây nhiều khó khăn cho các cơ quan an ninh, cảnh sát trong quá trình phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn.

Theo các nhà phân tích, số lượng đối tượng tấn công khủng bố đơn độc dường như ngày càng gia tăng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tại các nước Tây Âu, những hố sâu ngăn cách trong xã hội giữa người giàu với người nghèo, giữa người bản xứ với người nhập cư ngày càng lớn đang làm xã hội chia rẽ sâu sắc hơn. Sự bất bình đẳng về thu nhập và mức sống càng lớn thì những người nghèo càng bế tắc hơn và sống mặc cảm hơn.

Nạn thất nghiệp, nghèo đói và mặc cảm tự ti của những người sống bên lề xã hội đã gây nhiều hệ lụy, bất ổn cho Đức và các nước Tây Âu. Những người này dễ bị lôi kéo vào các phong trào, hoặc tư tưởng cực đoan, hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm, giống như đối tượng trong vụ xả súng ở Munich và từ đó trở thành “sói đơn độc”, luôn ấp ủ âm mưu tiến hành những vụ tấn công gây chết chóc cho thường dân.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác góp phần vào sự gia tăng của “sói đơn độc” chính là sự phổ biển của internet và mạng xã hội giúp lan truyền các tư tưởng cực đoan nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Những phương tiện truyền thông hiện đại này cũng giúp các đối tượng “sói đơn độc” tìm hiểu thông tin về một mục tiêu tấn công, lên kế hoạch tấn công dễ dàng hơn.

Qua các vụ tấn công ở châu Âu, có thế thấy, lực lượng cảnh sát các nước như Pháp, Đức mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn ở thế bị động trước dạng thức tấn công kiểu “sói đơn độc” này.

Nhìn chung, an ninh và sự ổn định của xã hội Đức và các nước Tây Âu khác đang đứng trước một số thách thức từ những đối tượng cực đoan đơn lẻ. Trước hết, các đối tượng “sói đơn độc” có thể là bất kỳ ai bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan. Vì thế, các cơ quan an ninh, cảnh sát gần như không thể đoán biết trước những toan tính của chúng để ngăn chặn phòng ngừa. Nguy cơ bị tấn công ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào từ các đối tượng “sói đơn độc” hiện là mối hiểm họa khôn lường của các quốc gia Tây Âu.  

Vì thế, theo L’Express (Pháp), giờ đây, chống lại tuyên truyền thánh chiến, “giải độc” cho những người mong muốn theo con đường sát hại người khác là thách thức mà các quốc gia châu Âu phải đối mặt.

TUYẾT MINH

.