Quan sát & Bình luận

"Cơn địa chấn" Brexit

08:24, 27/06/2016 (GMT+7)

Dù kết quả trưng cầu dân ý với việc người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không phải là điều quá bất ngờ nhưng vẫn khiến xứ sở sương mù và cả châu Âu cũng như thế giới choáng váng. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Thiếu Anh, EU gồm 27 nước còn lại sẽ như thế nào? Rời EU, Anh sẽ ra sao? Bức tranh “hậu Brexit” sẽ tươi sáng hơn hay phủ màu xám?  

“Cơn địa chấn” Brexit là cú sốc lớn đối với Anh sau 43 năm sống chung với EU, dù “cuộc hôn nhân” này ít nhiều cũng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhất là từ khi châu Âu rơi vào khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nhập cư. Anh trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU với quy định “Mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp” - một điều trong hiệp ước tưởng chừng “nằm im” mãi mãi. Tuy nhiên, việc thực hiện điều 50 lại vô hình trung mang theo những thảm họa cho Anh và cho cả EU, đồng thời đang khiến người dân Anh giật mình…

Chưa nói đến những hệ lụy nặng nề về kinh tế trong bức tranh “hậu Brexit”, thảm họa dễ dàng nhận thấy nhất, đó là sự chia rẽ chưa từng có trong chính Vương quốc Anh và có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị. Trang nhất báo The Economist đã đăng hình ảnh quốc kỳ Vương quốc Anh cùng dòng tít “Sự chia rẽ thảm họa”. Hiện tại, người dân London và Sotland đang yêu cầu bỏ phiếu trở lại trong một cuộc trưng cầu dân ý khác.

Nhiều khả năng Scotland, quốc gia với 5 triệu người, sẽ bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Anh và cả London cũng muốn tách khỏi Anh. Song, nói riêng về Scotland, một cuộc bỏ phiếu đòi độc lập sẽ kết thúc sự thống nhất trong 300 năm giữa xứ sở này với Anh và những người láng giềng còn lại, đồng thời là đòn giáng mạnh vào Vương quốc Anh. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nói rằng, cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập cho nước này là một lựa chọn và yêu cầu rõ ràng đáng để thảo luận. Trong cuộc bỏ phiếu hôm 23-6, 62% người dân Scotland ủng hộ ở lại, chỉ 38% ủng hộ ra đi và kết quả chung cuộc đã làm xứ này thất vọng. Thậm chí, bà Sturgeon gọi đó là việc “không thể chấp nhận về mặt dân chủ”.

Điều đáng nói là chính các nhà lãnh đạo EU lại muốn Anh nhanh chóng rời liên minh để tránh nhiều hệ lụy. Điều mà các nhà lãnh đạo EU mong muốn trên hết trong lúc này là phải cứu liên minh, thay vì để liên minh “bị kẹt trong tình trạng lấp lửng”. Có thể thấy hiệu ứng domino đang bắt đầu lan ra khi Phần Lan bắt đầu thu thập chữ ký cho đơn đề nghị yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý về việc Helsinki rời EU. Ở Tây Ban Nha, lực lượng ly khai xứ Catalonia cũng tiếp tục chiến dịch kêu gọi trưng cầu dân ý tách khỏi quốc gia châu Âu này.

Với người dân Anh, họ đang giật mình, bừng tỉnh khi thấy sự chao đảo trong mấy ngày qua. Dù không hài lòng với một EU khủng hoảng, một EU không có nhiều mới mẻ nhưng họ nhận ra rằng, khi chia tay liên minh, nước Anh sẽ phải gánh quá nhiều hệ quả. Cái nhìn toàn cuộc đang lấn át những suy nghĩ tức thời. Người dân Anh đã chán EU, nhưng nếu bỏ phiếu lại, biết đâu họ sẽ chọn ở lại, để không phải gánh chịu một “cơn địa chấn” quá lớn và gây sốc như thế.

VĨNH AN

.