.

Nỗi ám ảnh "sói đơn độc"

.

Các vụ tấn công xảy ra trong thời gian gần đây nhằm vào dân thường ở Mỹ và châu Âu cho thấy lỗ hổng của công tác tình báo trong việc theo dõi các đối tượng bị tình nghi là cực đoan và ngăn chặn những vụ thảm sát.

Các quan chức chống khủng bố nói với Reuters rằng, các vụ tấn công thường do những kẻ có tiền sử bệnh tâm thần thực hiện, nhưng một vài vụ có liên quan trực tiếp đến các nhóm cực đoan. Trong quá trình truy lùng thủ phạm, các nhà điều tra chống khủng bố vẫn thường tập trung vào những âm mưu của các nhóm bạo lực như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Các vụ tấn công do các tay súng có vấn đề về tâm thần bao gồm: vụ xả súng ở hộp đêm tại thành phố Orlando, bang Florida (Mỹ); vụ giết nghị sĩ Jo Cox tại phía bắc nước Anh; hàng loạt vụ bắn tỉa nhằm vào cảnh sát ở thành phố Baton Rouge, bang Louisiana và thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ); vụ tấn công kinh hoàng ở thành phố Nice vào đúng ngày Quốc khánh của Pháp; mới nhất là vụ xả súng ở trung tâm mua sắm Olympia, thành phố Munich của Đức vào tối 22-7 vừa qua.

Giám đốc Sở Cảnh sát Munich Hubertus Andrae xác định tay súng đã bắn chết 9 người và làm bị thương 27 người là Ali David Sonboly, thanh niên 18 tuổi mang 2 quốc tịch Đức và Iran, sinh ra và lớn lên tại Munich. Sonboly đã tự bắn vào đầu trong quá trình bị truy bắt. Trước khi thực hiện vụ tấn công, Sonboly đã được điều trị về tâm thần. Ông Andrae cũng nói rằng, vụ này không có liên quan các nhóm cực đoan.

Theo AP, các nhà điều tra đã lục soát nhà của Sonboly và phát hiện hàng loạt tài liệu liên quan đến giết người hàng loạt, trong đó có cuốn sách Rampage in Head: Why Students Kill (tạm dịch: Cơn thịnh nộ trong đầu: Vì sao các sinh viên giết người). Song, như khẳng định của ông Andrae, giới chức tìm thấy dấu hiệu cho thấy nghi phạm liên quan IS. Cũng có một số bằng chứng về việc Sonboly đã bị “những người đồng trang lứa” bắt nạt và các video, trò chơi bạo lực có thể khiến Sonboly bị tiêm nhiễm.

Những vụ việc do “sói đơn độc” thực hiện như vậy thường có chiến thuật tấn công khác hẳn với những vụ ở Paris (Pháp) hồi tháng 11 năm ngoái và ở Brussels (Bỉ) hồi tháng 3 năm nay. Hai vụ ở Paris và Brussels do các nhóm chiến binh có liên hệ với IS gây ra.

Điều đáng nói là trong hệ thống thu thập thông tin tình báo về những kẻ cực đoan không chú ý nhận diện những cá nhân có tiền sử bệnh tâm thần. Trong vụ tấn công ở thành phố Orlando, nghi phạm đã xem xét những lời tuyên truyền thánh chiến (nhiều khả năng của IS) trên mạng. Nhưng các cuộc điều tra không tìm thấy chứng cứ về việc tay súng Omar Mateen có liên quan đến IS hay bất kỳ tổ chức chiến binh nào khác. Trường hợp Mateen có lẽ là ví dụ điển hình nhất về sự khó khăn trong việc ngăn chặn các vụ tấn công do những kẻ có tiền sử tâm thần gây ra.

Trong vụ ở Nice, các nhà điều tra Pháp đã bắt giữ 5 nghi phạm nhưng một quan chức chống khủng bố Mỹ và một quan chức Pháp cho biết, đến nay vẫn không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công do các chiến binh nước ngoài điều khiển.

Với vụ ở Munich, người ta đang đặt câu hỏi: Làm thế nào một thanh niên 18 tuổi có thể sở hữu một khẩu Glock và 300 viên đạn tại một đất nước có hệ thống kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất châu Âu? Chỉ một tuần trước đó là vụ tấn công bằng rìu trên tàu ở Wurzburg, bang Bavaria, do một kẻ tị nạn 17 tuổi, đến từ Afghanistan thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cảnh báo, nước ông có thể đối mặt làn sóng tấn công do “sói đơn độc” hoặc các nhóm nhỏ thực hiện. Người Đức đang lo lắng bởi quốc gia này đã tiếp nhận khoảng 1,1 triệu người tị nạn trong cuộc khủng hoảng di cư, chủ yếu chạy trốn xung đột và đói nghèo ở Syria, Bắc Phi và châu Á. Lúc này, áp lực đang dồn lên Thủ tướng Đức Angela Merkel bởi bà là “kiến trúc sư trưởng” của chính sách mở cửa đón người nhập cư. Lòng tốt quá đà của bà được cho là mang lại sự bất ổn cho nước Đức.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.