.

Lại cần có nhau

.

Cơn sóng dữ bùng lên hồi tháng 11 năm ngoái với việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga ở không phận Syria. Thời điểm đó, Thổ kiên quyết không xin lỗi chính thức Nga. Hai bên đã lời qua tiếng lại, thậm chí có những tuyên bố mang tính thách thức, buộc Nga “đóng băng” các quan hệ kinh tế đối với Thổ.

Tuy nhiên, vấn đề người nhập cư, cuộc chiến chống khủng bố, tình hình ở Syria, nhất là sau vụ đảo chính bất thành cùng thái độ lập lờ của Mỹ và các đồng minh châu Âu gần đây khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải tự chọn cho mình con đường đi phù hợp.

Sau các cuộc điện đàm và đưa ra lời xin lỗi chính thức về vụ bắn rơi máy bay Su-24, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có chuyến công du Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin tại Saint Petersburg. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Erdogan kể từ sau vụ đảo chính bất thành. Theo đó, hai bên nhất trí thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, hủy bỏ các biện pháp hạn chế và hợp tác trong vấn đề Syria.

Tổng thống Putin nhấn mạnh: Cuộc gặp lần này có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ưu tiên hàng đầu của hai nước là nỗ lực đưa quan hệ hợp tác song phương trở về mức độ trước thời điểm khủng hoảng.

Theo ông Putin, Nga có kế hoạch dỡ bỏ dần các biện pháp kinh tế đặc biệt và những hạn chế đối với các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ. Những hạn chế đối với các công ty xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được dỡ bỏ trong thời gian tới. Nga còn dự định nhanh chóng khôi phục hoạt động đường hàng không tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí trong thời gian tới sẽ thực hiện các dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước, trong đó có dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu.

Ông Putin nhấn mạnh rằng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có tầm nhìn chung và tiềm năng hợp tác to lớn, quan hệ hợp tác tốt đẹp chưa có tiền lệ trước khủng hoảng là một minh chứng hùng hồn và có thể chống lại bất cứ cuộc khủng hoảng nào.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cho rằng, sau khủng hoảng gay gắt, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng xuất hiện sức sống và chất lượng mới. Theo ông Kosachev, cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan “hoàn toàn vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương, mỗi một thỏa thuận đều có ý nghĩa quan trọng riêng”. Ông Kosachev giải thích, “chiều đo thứ ba” trong nền chính trị châu Âu có nghĩa là quan hệ hợp tác xuất hiện không theo nguyên tắc trung thành của các khối, mà phụ thuộc vào những lợi ích tập thể và quốc gia thiết thực; trong khi đó, mối quan hệ giữa các quốc gia “được xây dựng không phải dựa trên sự thuyết giảng, mà bắt đầu từ sự tôn trọng chủ quyền của nhau và cơ hội bình đẳng trong hợp tác”.

Bài viết “Đối mặt với phương Tây, Erdogan và Putin xích lại gần nhau” đăng trên nhật báo La Croix (Pháp) ngày 8-8 ghi nhận: “Cuộc hội ngộ được mong chờ tại Saint Petersburg để lãnh đạo Kremlin không chỉ lật sang trang mới của một cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài, mà còn dùng Ankara như một lá bài cho cuộc đọ sức với các nước châu Âu và Mỹ”…

Sau vụ đảo chính bất thành, không một lãnh đạo châu Âu nào tiếp cận với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả các cuộc điện thoại cũng hiếm hoi. Trái lại, ông Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên gọi cho ông Erdogan. Ông chủ Điện Kremlin không lên án hành động của ông Erdogan, trong khi phương Tây đánh giá làn sóng trả đũa vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là thô bạo, phi dân chủ…

Dưới góc nhìn khác, chuyên gia quan hệ quốc tế Maxime Ioussine (Pháp)  nhận định: “Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chơi lá bài Nga để giảm áp lực từ Mỹ và Liên minh châu Âu”.

Theo các nhà quan sát chính trị, châu Âu hiện không khỏi lúng túng. Là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ có thể lấy căn cứ quân sự Mỹ Incirlik trên đất mình - một bàn đạp của Mỹ trong việc tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - làm công cụ gây áp lực với phương Tây. Mặt khác, thỏa thuận theo sáng kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel mua lại sự “yên bình của người nhập cư” bằng cái giá 6 tỷ euro trả cho Ankara đang trở thành vũ khí mặc cả bắt bí đáng sợ trong tay ông Erdogan.

Nhưng dù ở khía cạnh nào đi nữa thì sự “tan băng” trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ cũng toát lên một điều rằng họ “lại cần có nhau”, trước hết vì lợi ích quốc gia, vì tình hữu nghị và sự tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng hướng tới xây dựng nền hòa bình bền vững và ổn định trong khu vực.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.