.

Vẫn là "bóng đen" đó

.

Quan hệ Nga - Ukraine bắt đầu lạnh nhạt kể từ “cách mạng Cam” ở Kiev vào ngày 24-11-2004, để từng bước Ukraine ngã sang phương Tây, tạo cơ hội cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể áp sát đường biên giới với Nga. Đặc biệt, tháng 3-2005, khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, Kiev và Mátxcơva trở nên đối đầu.

Cuộc nội chiến ở Ukraine hiện vẫn chưa chấm dứt giữa chính quyền Trung ương với hai tỉnh ly khai ở miền Đông, đẩy nền kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Muốn giải quyết cuộc nội chiến, Ukraine phải thực hiện thỏa thuận Minsk.

Sự đan xen của các yếu tố này làm vấn đề Ukraine trở nên rối rắm, phức tạp. Khi mọi giải pháp để chấm dứt cuộc nội chiến ở Ukraine vẫn còn ở phía trước, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ một nhóm biệt kích tại Crimea và ngăn chặn thành công âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên bán đảo này. Theo FSB, Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau âm mưu khủng bố này.

Song, phía Ukraine bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời tuyên bố Nga đang tăng cường quân cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự gần Crimea. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ra lệnh tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass ở đông Ukraine “sẵn sàng cho chiến tranh” với Nga.

Nhiều năm qua, Kiev luôn chỉ trích gay gắt việc Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea, cũng như cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở đông Ukraine, đẩy nước này rơi vào tình trạng “nồi da nấu thịt” kéo dài trong hơn 2 năm qua, cướp đi sinh mạng của gần 9.500 người. Song, mối quan hệ giữa hai nước chưa rơi vào tình trạng đối đầu nguy hiểm như hiện nay.

Như vậy, những chỉ trích gay gắt và hành động “điều binh, khiển tướng” trên thực địa mấy ngày qua đang châm ngòi cho “thùng thuốc súng” chiến tranh giữa Nga - Ukraine có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Chuyên gia phân tích chính trị người Nga, ông Zakhar Vinogradov nhận định: Không loại trừ khả năng căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ dẫn đến kịch bản “Kiev cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga, ban bố thiết quân luật, rồi chính phủ Ukraina sẽ tuyên chiến với Nga”.

Ngược lại, phần lớn các nhà quan sát không nghĩ chiến tranh sẽ xảy ra giữa Nga và Ukraine, nhưng cho rằng căng thẳng khó có thể hạ nhiệt khi chính phủ thân phương Tây hiện tại vị ở Ukraine.

Đức - quốc gia chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) - đã cử Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier có cuộc gặp khẩn với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để đánh giá tình hình, kêu gọi các bên từ bỏ đối đầu, tránh leo thang căng thẳng. Mỹ cũng kêu gọi Nga và Ukraina kiềm chế bởi Washington “cực kỳ quan ngại về căng thẳng leo thang gần ranh giới giữa bán đảo Crimea và Ukraine”.

Có thể nói, quan hệ Nga - Ukraine trong những năm qua được xem như “hàn thử biểu” cho mối quan hệ giữa Mátxcơva - phương Tây. Nga cho rằng, chính sự dung túng của phương Tây, đặc biệt là thái độ ủng hộ của NATO, EU và Mỹ đối với những tuyên bố gây chiến của Tổng thống Poroshenko trong vấn đề Crimea, khiến Ukraine có những hành động mạo hiểm và khiêu khích ở bán đảo này.

Ở một khía cạnh khác, các nhà quan sát cho rằng, không phải ngẫu nhiên căng thẳng giữa Nga và Ukraine nhanh chóng bị đẩy lên ở cấp độ nguy hiểm, nhất là vào thời điểm ngay sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Việc Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nối lại tình thân sau vụ Ankara bắn hạ Su-24 của Nga cách đây 8 tháng là điều mà Mỹ và phương Tây không hề muốn. Với động thái Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hàn gắn quan hệ, có thể nói việc sử dụng quân cờ Thổ để gây áp lực với Nga cả về chính trị lẫn quân sự đã thất bại nên Mỹ và phương Tây muốn chuyển hướng sang vấn đề Ukraine để gây khó cho Mátxcơva.

Dư luận quốc tế không thể không nghi ngờ vai trò của Mỹ và phương Tây trong lần căng thẳng này giữa Nga và Ukraine; vẫn là “bóng đen” đó để kéo Kiev về phía mình, gia tăng cô lập và khó khăn đối với Mátxcơva, nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ và phương Tây trên bàn cờ chính trị ở khu vực cũng như thế giới mà thôi.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.