.

Lời chia tay của hai chính khách

.

Khóa họp thứ 71 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) bắt đầu từ ngày 14-9, với sự tham dự của 193 quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 71 Peter Thompson và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Đặc biệt, từ ngày 20-9 đến hết ngày 26-9, trong khuôn khổ phiên thảo luận cấp cao hằng năm, các nhà lãnh đạo thế giới lần lượt có các bài tham luận theo chủ đề “Những mục tiêu phát triển bền vững - cú hích toàn cầu để làm biến đổi thế giới”. Tất cả các bài tham luận đều hướng tới mục tiêu định hình phản ứng chung của đại gia đình LHQ trước nhiều thách thức đang đặt ra đối với thế giới, như các cuộc xung đột kéo dài, tình trạng nghèo đói cùng cực, cuộc khủng hoảng người tị nạn và tình trạng biến đổi khí hậu.

Dư luận chú ý phát biểu cuối cùng tại diễn đàn này trên cương vị Tổng Thư ký LHQ của ông Ban Ki-moon, người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh và Tổng thống Mỹ Barack Obama, quốc gia có nền kinh tế số 1 thế giới, khi cả hai sẽ rời nhiệm sở vào đầu năm 2017.

Điều gì làm hai chính khách này trăn trở suốt hai nhiệm kỳ qua nhưng chưa góp phần thúc đẩy hiệu quả nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng cho cộng đồng quốc tế?

Đó chính là các cuộc xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, nạn khủng bố, nghèo đói và tình trạng di cư ở tầm một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.

Một trong những tâm điểm của vòng xoáy tạo ra hàng loạt vấn đề nói trên nằm ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông, trong đó Syria là một ví dụ điển hình. Bởi vậy, trong phát biểu của mình, ông Ban Ki-moon nêu bật quan ngại về cuộc chiến Syria đang diễn biến ngày một tồi tệ. Ông bày tỏ thái độ vừa mạnh mẽ, vừa đau đớn: “Có mặt tại hội trường này hôm nay là đại diện của những chính phủ vốn đã lờ đi, tạo điều kiện, tài trợ, tham gia hoặc thậm chí lên kế hoạch và thực hiện tội ác gây ra bởi tất cả các bên trong cuộc xung đột Syria, chống lại thường dân Syria”. Rồi ông tha thiết: “Tôi kêu gọi tất cả những người có ảnh hưởng chấm dứt cuộc chiến này và bắt đầu đàm phán”.

Đồng thời, ông Ban Ki-moon mô tả 10 năm ông giữ chức Tổng Thư ký LHQ là “một thập niên LHQ có cả sự tiến bộ lẫn sự thụt lùi”. Việc thông qua chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030, hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris và việc thành lập Tổ chức Phụ nữ của LHQ là những điểm nhấn trong hoạt động của diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, LHQ chưa thể giải quyết một số cuộc xung đột kéo dài, đang gây ra những nỗi thống khổ cho người dân vô tội.

Kết thúc bài phát biểu, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Sau 10 năm giữ chức Tổng Thư ký LHQ, hơn bao giờ hết tôi nhận thấy rằng, chúng ta có quyền và nghĩa vụ chấm dứt chiến tranh, nghèo đói và khủng bố”.

Còn Tổng thống Obama cảnh báo, chính những nỗ lực toàn cầu hóa đã “kéo chúng ta lại gần với nhau, nhưng cũng đã phơi bày những đường nứt sâu rộng” nên cần có sự “điều chỉnh thỏa đáng” để bảo đảm các quốc gia và người dân không bị lùi về một thế giới còn bị chia rẽ sâu sắc hơn nữa.

Ông Obama nêu bật một nghịch lý, trong khi thế giới nói chung trở nên an toàn hơn và thịnh vượng hơn thì cùng lúc nhiều quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng, chủ nghĩa khủng bố và trật tự cơ bản bị đảo lộn. Ông nhấn mạnh về sự tan rã của “trật tự xã hội căn bản” ở Trung Đông và nói rằng “các xã hội của chúng ta” đang đầy rẫy những sự bất định và bất an. Công việc quản lý ngày càng trở nên khó khăn vì người dân mất lòng tin vào các thể chế, trong khi căng thẳng giữa các quốc gia thường tuột khỏi tầm kiểm soát nhanh chóng.

Về vấn đề Biển Đông, ông Obama bày tỏ quan ngại viễn cảnh đạt được một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp đang ngày càng xa vời do những tranh cãi xung quanh các bãi đá và rạn san hô. Ông Obama còn nói: “Các quốc gia hùng mạnh đang thách thức những hạn chế do luật pháp quốc tế áp đặt. Và đó chính là nghịch lý đang định nghĩa thế giới chúng ta ngày nay”.

Về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Obama kêu gọi Palestine chấm dứt các hành vi kích động bạo lực và hối thúc Israel thừa nhận thực tế rằng, họ không thể chiếm đóng và định cư vĩnh viễn trên đất của người Palestine.

Về vấn đề Syria, ông Obama khẳng định ngoại giao là con đường duy nhất để chấm dứt xung đột kéo dài tại quốc gia này.

Có thể nói, lời chia tay của hai chính khách hàng đầu thế giới tại diễn đàn Đại hội đồng LHQ lần này chứa đựng sự trăn trở lẫn nỗi thất vọng và bất lực trước những thảm cảnh mà nhân loại đã và đang tiếp tục đối mặt, đó là chiến tranh biên giới, xung đột sắc tộc, nội chiến, nạn khủng bố, nghèo đói, di cư với quy mô lớn chưa từng có.

Cả hai ông đều lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động thiết thực, mạnh mẽ hơn nữa để đấu tranh, giải quyết các vấn đề nói trên; đồng thời, hối thúc toàn thế giới thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực càng sớm càng tốt và kêu gọi các nhà lãnh đạo không nên để thế hệ tương lai phải hứng chịu hậu quả khôn lường khi trái đất nóng lên.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.