.

Chính trường và tình bạn

.

Khi bước vào chính trường, mỗi chính khách luôn đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức mà họ phải đối diện hằng ngày. Đặc biệt, những người giữ trọng trách lớn lao của đất nước càng chịu nhiều áp lực và sự giám sát chặt chẽ của bộ máy công quyền lẫn công chúng, làm sao các mối quan hệ xã hội hay cá nhân đều đúng mực và không gây ảnh hưởng đến trọng trách đang nắm giữ. Nếu không sẽ xảy ra những hậu quả khó lường cho chính họ lẫn cho đất nước.

Câu chuyện như vậy đang xảy ra tại Hàn Quốc về mối quan hệ giữa Tổng thống Park Geun-hye với người bạn thân Choi Soon-Sil.

Theo báo New York Times, bà Choi Soon-Sil là dân thường, không có quyền tiếp cận thông tin mật của chính phủ nhưng thực tế lại có ảnh hưởng đáng kể đối với Tổng thống Park Geun-hye.

Kênh truyền hình Chosun (Hàn Quốc) đã phát sóng một đoạn video có cảnh các trợ lý tổng thống khúm núm trước Choi Soon-Sil sau khi bà đưa ra những lời chỉ đạo đối với họ. Kênh truyền hình này còn cho biết, bà Choi có các bản sao về lịch trình hoạt động của tổng thống trong một chuyến công du nước ngoài. Thậm chí, bà còn phụ trách vấn đề trang phục của Tổng thống, giám sát thiết kế các mẫu trang phục và khuyên bà Park nên chọn trang phục màu gì vào những ngày cụ thể.

Sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải vụ việc, chính trường Hàn Quốc lập tức nổi sóng gió. Hàng vạn người đã biểu tình ở thủ đô Seoul đòi Tổng thống từ chức hoặc bị luận tội. Tỷ lệ ủng hộ bà Park xuống tới mức thấp nhất, chỉ còn 17%.

Tổng thống Park thừa nhận đã để bà Choi biên tập một trong những bài phát biểu quan trọng của mình và xin lỗi công chúng. Bà mô tả bà Choi là một người bạn lâu năm đã sát cánh bên mình trong những giai đoạn khó khăn nhất, chẳng hạn vào những năm cha mẹ của bà bị ám sát.

Bà Choi cũng đã bị bắt giữ, điều tra việc sử dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống để gây ảnh hưởng lên các doanh nghiệp lớn, khiến họ quyên góp tiền vào 2 quỹ phi lợi nhuận do bà lập nên. Ước tính số tiền đóng góp vào các quỹ này khoảng 50 tỷ won (44 triệu USD).

Để làm dịu cơn phẫn nộ của dư luận, Tổng thống Park đã chấp thuận đơn từ chức của 5 cố vấn cấp cao, trong đó có chánh văn phòng tổng thống và các thư ký cấp cao khác phụ trách điều phối chính sách, dân sự, chính trị và các quan hệ công. Đồng thời, Tổng thống Park cải tổ nội các, thay thế Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế và Bộ trưởng An toàn nhân dân.

Hành động đó của Tổng thống Park có ổn định được chính trường Hàn Quốc và bà có bị luận tội, buộc phải từ hay không thì phải chờ câu trả lời trong thời gian đến.

Trước mắt, các nhà quan sát nhận định: Cuộc khủng hoảng chính trị nói trên đe dọa làm phức tạp thêm quá trình hoạch định chính sách trong giai đoạn khó khăn của Tổng thống Park đang ở năm thứ tư trong nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc khủng hoảng tác động tiêu cực đến các vấn đề trong nước của Tổng thống Park cũng như lập trường cứng rắn của Hàn Quốc đối với các vấn đề quốc tế, nhất là CHDCND Triều Tiên, có thể đi chệch hướng. Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho hay: “Các chính sách Triều Tiên của Hàn Quốc như biện pháp đối phó với chương trình hạt nhân có thể phát huy hiệu quả khi chính phủ bảo đảm được sự ủng hộ của dư luận và sự phối hợp của quốc tế… Tuy nhiên, không có sự hậu thuẫn của dư luận trong nước đối với các vấn đề đối nội, sự ủng hộ của quốc tế có thể cũng sẽ không còn. Các chính sách cứng rắn của bà Park Geun-hye có thể sẽ rơi vào bế tắc”.

Mặt khác, cuộc khủng hoảng cũng ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống Park trên trường quốc tế, nhất là trong thời điểm Hàn Quốc vừa quyết định cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ của mình. Giáo sư quan hệ quốc tế Park Won-gon tại Đại học Handong nói: “Giờ là lúc nhà lãnh đạo Hàn Quốc cần thể hiện ảnh hưởng của mình trong đàm phán với các nước láng giềng. Tuy nhiên, với nguy cơ sụt giảm uy tín như hiện nay, các chính sách ngoại giao của bà có thể sẽ đi chệch hướng”. Ông Park Won-gon cũng bày tỏ lo ngại tình hình hiện nay có thể tác động đến việc Hàn Quốc điều chỉnh chính sách đối với CHDCND Triều Tiên đồng bộ với Mỹ.

Vụ việc nói trên một lần nữa cho thấy, chính trường và tình bạn đã vượt qua  giới hạn thông thuờng và bị chi phối một cách đáng quan ngại, gây sự bất bình của dư luận, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của người đứng đầu quốc gia, tác động tiêu cực đến cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại.

Đó cũng là bài học đáng giá không của riêng ai một  khi trở thành chính khách trên chính trường có ảnh huởng và tác động sâu rộng đến đời sống của đất nước!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.