.

Tâm điểm gây sốc và tranh cãi

.

Trong nhiều tháng qua, đặc biệt là ngày 8-11 (giờ Mỹ), cả thế giới đều hướng về nước Mỹ để chờ đợi kết quả ai là chủ nhân Nhà Trắng lần thứ 45?

Vậy nguyên cớ nào mà nước Mỹ tạo ra tâm điểm gây sốc và tranh cãi về chủ nhân Nhà Trắng đến vậy?
Có thể có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nổi lên hai vấn đề như sau:

Một là, kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, Mỹ luôn là cường quốc số một của thế giới. Vì vậy, đến mùa bầu cử, dư luận đều chờ xem các ứng cử viên tổng thống, chủ yếu là đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, đưa ra những mục tiêu và biện pháp nào cho chính sách đối nội cũng như đối ngoại.

Trong những tháng qua, cả hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đều nhất trí cho rằng, Mỹ nên giữ vị trí bá quyền, song họ không thống nhất về cách thức phát huy vị trí đó. Bà Clinton lập luận rằng, nước Mỹ nên đóng vai trò mà họ được thừa hưởng sau Thế chiến thứ hai, trong đó sức mạnh của Mỹ bao trùm lên các liên minh, các mối quan hệ mậu dịch của thế giới và một số chiến dịch can thiệp.

Ngược lại, ông Trump lập luận về việc “mặc kệ” chủ nghĩa toàn cầu hóa, nghĩa là Mỹ và các đồng minh nên tự bảo vệ những lợi ích của mình thay vì tự trói buộc không cần thiết vào những chiếc ô an ninh và hiệp định mậu dịch toàn cầu.

Bà Clinton được đánh giá là gương mặt sáng giá của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, bà lại là ứng cử viên tổng thống bị điều tra nhiều nhất trong lịch sử, với hàng loạt cuộc điều tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhắm vào bê bối sử dụng email công vụ. Bà còn bị tố nhập nhằng trong việc sử dụng quỹ Clinton, hay gây áp lực với những phụ nữ tố cáo chồng bà quấy rối tình dục.

Còn ông Trump cũng không thiếu các bê bối và bị đánh giá là ứng cử viên nhiều tai tiếng nhất trong lịch sử đảng Cộng hòa. Ông bị người dân Mexico la ó vì ý tưởng xây tường biên giới, bị các đồng minh của Mỹ hoài nghi về cam kết an ninh và khiến người dân Mỹ giận dữ với video khoe việc sàm sỡ phụ nữ. Hàng loạt lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng hòa công khai từ bỏ ông, điều chưa từng có trong các kỳ bầu cử trước đây ở Mỹ.

Chính sự khác biệt sâu sắc giữa cách tiếp cận và cả những bê bối cá nhân của cả hai ứng cử viên đã tạo ra sự chú ý đặc biệt của cả cộng đồng quốc tế, nhất là những quốc gia có quan hệ đồng minh chiến lược, hay ít nhiều bị chi phối bởi chính sách đối ngoại của Mỹ. Đó là chưa kể ngay nội bộ nước Mỹ cũng chia rẽ sâu sắc về cách hoạch định các mục tiêu mà bà Clinton và ông Trump đặt ra cho tương lai cường quốc này.

Hai là, tính gay cấn và phức tạp đã bắt đầu ngay khi chạy đua vào Nhà Trắng. Sự khác thường trong cách hành xử của các ứng cử viên, cùng nỗi lo lắng của cử tri Mỹ về nền chính trị trong tương lai, khiến cuộc bầu cử trở nên rắc rối và khó đoán cho đến tận phút cuối cùng. Thậm chí, người ta còn ví cuộc đua vào Nhà Trắng lần này gay cấn hơn cả giải siêu xổ số của nước Mỹ (?!).

Bình luận viên Janet Daley của tờ Telegraph cho hay, không khí mà cuộc chạy đua tranh cử năm nay tạo ra khác thường và nhiễu loạn đến mức người Mỹ phải tranh luận, cãi nhau để thuyết phục người khác; hoặc chỉ đơn giản là để mọi người tin rằng, đất nước này không hoàn toàn điên rồ. Ông Peter Wehner, cựu cố vấn Nhà Trắng dưới thời Tổng thống G.W.Bush nói: “Nó đã trở nên xấu xí và ngớ ngẩn, chủ yếu là do Trump nhưng không phải là tất cả. Đến lúc tân tổng thống nhậm chức, người dân cũng đã quá mệt mỏi”.

Các nhà quan sát cho rằng, cử tri Mỹ quan tâm cuộc bầu cử lần này cũng giống như người đi đường xúm quanh một vụ tai nạn, mong muốn thấy những điều kịch tính, chứ không phải với tư cách những người cầm lá phiếu định đoạt ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng.

Ở một khía cạnh khác cũng đáng quan tâm, đó là hệ thống bầu cử ở Mỹ rất phức tạp mà ngay ông Trump cũng phàn nàn và có lần tuyên bố nếu đắc cử sẽ hủy bỏ cách thức bầu cử hiện nay.

Dù cãi nhau, miệt thị nhau, đề ra những mục tiêu và giải pháp đúng đắn hay bị cho là kỳ quặc… nhưng cuối cùng nước Mỹ cũng đã chọn ông Trump. Cử tri Mỹ cũng như thế giới sẽ chờ xem vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ làm gì trong 100 ngày đầu tiên cũng như cả nhiệm kỳ 4 năm.

Và rồi chiến thắng của ông Trump sẽ không còn được nhìn nhận như một hiện tượng kỳ quặc trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ 2016, mà dẫn tới hàng loạt câu hỏi đặt ra để nghiên cứu trong giới quan sát chính trị nội bộ Mỹ và cả thế giới.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.