.

Cuộc "giải thể" quy mô chưa từng có?

.

Gần 100 năm trở lại đây, chưa bao giờ cả nước Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế lại hồi hộp, lo lắng và chờ đợi với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau về sự kiện tân Tổng thống Mỹ tiếp quản Nhà Trắng như lần này.

Trong quá trình vận động và sau khi thắng cử, ông Donald Trump đã đưa ra nhiều phát biểu rằng sẽ có những đổi thay “chưa từng có” trong chính sách đối nội và đối ngoại, tác động mạnh mẽ đến những gì mà người tiền nhiệm Barack Obama đã tạo dựng cũng như quan hệ với phần còn lại của thế giới. Trong đó, nổi lên một số vấn đề chủ yếu sau:

Khi chưa bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump đã thúc đẩy đảng Cộng hòa, chiếm đa số cả Thượng viện lẫn Hạ viện, tiến hành các bước đi nhằm xóa bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe giá phải chăng (còn gọi là Obamacare), do Tổng thống tiền nhiệm Obama dày công tạo dựng để mang lại lợi ích cho mấy chục triệu người Mỹ.

Nhưng có lẽ điều mà nước Mỹ ẩn chứa những trăn trở lớn hơn, sâu sắc hơn khi ông Trump là chủ nhân Nhà Trắng, đó là một nước Mỹ đang bị chia rẽ, một sự bất bình lan rộng.  Một thăm dò mới đây do Washington Post và ABC thực hiện cho biết, khoảng 44% số người được hỏi nói rằng, ông Trump đủ các điều kiện để trở thành Tổng thống Mỹ, trong khi tỷ lệ đưa ra ý kiến ngược lại là 52%. Khi được hỏi về sự tin tưởng rằng Tổng thống đắc cử Trump có thể đưa ra những quyết định chính xác và đem lại lợi ích cho Mỹ trong tương lai, chỉ 38% số người tham gia thăm dò đồng tình với điều này, trong khi 61% đồng tình một phần hoặc không đồng tình.

Trên bình diện quan hệ quốc tế, liên tiếp những ngày qua, ông Trump đưa ra những phát biểu “gây sốc” cho các đồng minh chiến lược của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế.

Xu hướng bảo hộ mậu dịch sẽ được cho là điểm nhấn trong chính sách kinh tế dưới thời ông Trump đi ngược lại mục tiêu toàn cầu hóa. Để kéo việc làm về nước Mỹ, ông Trump từng tuyên bố sẽ hủy bỏ hay đàm phán lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); các hiệp định kinh tế ở khu vực Bắc Mỹ cũng như châu Âu… ngay sau ngày nhậm chức.

Đặc biệt, những ngày gần đây, khi trả lời phỏng vấn hai nhật báo Bild (Đức) và Times (Anh), ông Trump đã khấy động cả châu Âu dậy sóng về mối quan hệ đồng minh chiến lược xuyên Đại Tây Dương từ sau Thế chiến thứ hai kết thúc. Trong đó có 3 điều đáng chú ý: chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp nhận người di cư là sai lầm; việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) là đúng đắn; Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là lỗi thời.

Ngay sau những quan điểm của ông Trump được đưa ra, các báo, các nhà quan sát chính trị châu Âu đã tập trung phân tích, bình luận và đánh giá. Với tựa đề “Trước ngày nhậm chức, Trump thách thức châu Âu”, Le Figaro (Pháp) gọi những quan điển nói trên là “một trận mưa pháo” của một đồng minh chiến lược nhằm vào châu Âu. Le Figaro tự hỏi, liệu liên minh chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương từ  sau Thế chiến thứ hai có bị ông Trump “quét đi”. Nếu điều đó xảy ra, tất yếu trật tự thế giới sẽ có những thay đổi sâu sắc và dẫn đến những hệ quả khó lường, trước hết cho chính châu Âu và Mỹ.

Nhưng cũng có câu hỏi khác được các nhà phân tích đặt lại rằng, thái độ đó của ông Trump đối với châu Âu “thật ra chỉ là phản ánh sự bất lực của chính châu Âu”. Bởi vì, “trên chính trường quốc tế, tân Tổng thống Mỹ có vẻ chỉ quan tâm đến hai tác nhân: Nga mà ông Trump muốn biến thành đối tác và Trung Quốc mà ông muốn tấn công. Còn châu Âu rõ ràng bị ông khinh miệt, xem như “một đám yếu đuối vô tích sự”, là “chủ nghĩa lý tưởng và lắm điều” (?!).

Đi sâu hơn để phân tích về thái độ đó của ông Trump, các chuyên gia châu Âu cũng cảnh báo, Brussels nên chuẩn bị những tình huống xấu nhất vì ông Trump dự tính thực hiện những lời nói của mình.

Để làm ông Trump thay đổi ý kiến, châu Âu không thể chỉ dựa trên những “giá trị” của mình, mà đã đến lúc phải xét đến những “quyền lợi” trên cả thương mại cũng như ngoại giao. Thay vì la ó, lo sợ, châu Âu phải cùng nhau giải quyết các vấn đề lớn: nhập cư, an ninh, biên giới… Chỉ khi nào châu Âu tìm lại được sự tin tưởng của dân chúng, tức của chính mình, thì mới có thể trả lời những vấn đề mà ông Trump đặt ra.

Còn một sự khấy động nữa mà ông Trump không ngần ngại bày tỏ là đúng một năm ngày thỏa thuận lịch sử về hạt nhân của Iran bắt đầu có hiệu lực, nhưng trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Tổng thống đắc cử Mỹ một lần nữa xem đây là “một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất được ký kết cho tới nay” và là “một trong những thỏa thuận ngu xuẩn nhất”.

Những phát biểu của  ông Trump cũng hàm ý một cuộc “giải thể” vô cùng to lớn sẽ diễn ra khi ông bước vào Nhà Trắng, đó là: Obamacare, TPP, thỏa thuận về hạt nhân của Iran, NATO, EU… (?).

Nếu điều đó diễn ra, tất yếu sẽ có những thay đổi về địa chính trị lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay. Đương nhiên nó cũng sẽ có những “biến chứng” khôn lường tác động ngay cả nước Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Bởi thế, không ít các nhà lãnh đạo thế giới, nhất là các đồng minh chiến lược của Mỹ đang hoài nghi, lo ngại và chuẩn bị các phương án đối phó trước một chủ nhân Nhà Trắng có những quan điểm luôn “gây sốc” kể từ khi tranh cử cho đến ngày sắp nhậm chức.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.