.

Lời từ biệt có lên ngôi?

Ngày 10-1 (sáng 11-1, giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama có bài diễn văn cuối cùng tại quê nhà Chicago sau 8 năm đứng đầu Nhà Trắng. Tại đây, 20.000 người chờ đợi để nhìn lại chặng đường mà thượng nghị sĩ trẻ tuổi, da màu với thông điệp “hy vọng” và “thay đổi”, đã vượt qua để trở thành tổng thống gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ.

Ông Obama đã có bài phát biểu đầy cảm xúc. Mở đầu, ông nói: “Tôi đến Chicago lần đầu tiên lúc hơn 20 tuổi, khi đó vẫn đang cố xác định xem tôi là ai, vẫn đang tìm kiếm mục đích của đời tôi… Đó là nơi tôi học được rằng, thay đổi chỉ xảy ra khi có những con người bình thường tham gia, gắn kết, cùng nhau yêu cầu thay đổi. Sau 8 năm làm Tổng thống, tôi vẫn tin điều đó. Và đó không chỉ là niềm tin của tôi. Đó là trái tim đang đập của nước Mỹ chúng ta - nơi mọi người tự điều hành”.

Bằng ngôn ngữ giàu cảm xúc, ông Obama đã điểm lại thành tựu của mình: “Nếu tôi nói với các bạn rằng, nước Mỹ đã bắt đầu một chương mới trong quan hệ với Cuba, chấm dứt chương trình hạt nhân Iran, tiêu diệt kẻ đứng sau vụ khủng bố 11-9-2001.

Nếu tôi nói với các bạn, chúng ta có được quyền bình đẳng trong hôn nhân cho mọi người và bảo đảm cho 12 triệu công dân có quyền được chăm sóc y tế. Nhưng đó là những điều chúng ta đã làm được. Các bạn chính là sự thay đổi của chúng ta”.

Nhưng có lẽ điều ông Obama chú tâm trong bài phát biểu do chính ông tự soạn thảo lại hướng đến một một vấn đề xa hơn: tập trung vào việc “truyền đuốc” cho thế hệ lãnh đạo mới, những người có thể dựa trên thành tựu của ông để xây dựng, đưa đất nước tiến lên phía trước.

Đánh giá về thời gian cầm quyền của ông Obama, nhiều các nhà quan sát chính trị, các phương tiện truyền thông Mỹ và quốc tế đưa ra những ý kiến khác nhau. Trong bài viết “Barack Obama là một tổng thống ngoại hạng dưới góc nhìn lịch sử”, nhật báo Libération (Pháp) đăng phỏng vấn hai chuyên gia Pháp về vị trí của Tổng thống Obama trong lịch sử nước Mỹ.

Theo đó, GS Vincent Michelot, chuyên gia về lịch sử chính trị Mỹ tại Đại học Khoa học Chính trị Sciences-Po Lyon và chuyên gia Romain Huret, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ, đều có chung quan điểm là ông Obama đã ghi được dấu ấn trong lịch sử chính trị Mỹ.

GS Vincent Michelot đánh giá ông Obama là tổng thống cấp tiến đầu tiên sau một thời gian dài nước Mỹ nằm dưới quyền lãnh đạo của những bộ óc bảo thủ. Trong suốt 40 năm, từ năm 1968-2008, Mỹ chỉ có hai tổng thống thuộc đảng Dân chủ là Jimmy Carter và Bill Clinton. Ba cuộc cải cách ghi đậm dấu ấn của Obama là kế hoạch phục hồi kinh tế, chương trình bảo hiểm y tế (Obamacare) và luật cải cách tài chính Wall Street.

Còn chuyên gia Romain Huret nhắc lại rằng, ông Obama tiếp quản Nhà Trắng trong bối cảnh nước Mỹ phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn: khủng hoảng kinh tế trong nước; khủng hoảng về chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Dân chúng đã quá mệt mỏi, chán nản với chính sách can thiệp quân sự của Tổng thống G.W.Bush.

Từ thời Roosevelt, không có tổng thống nào, trừ ông Obama, tìm ra giải pháp thoát khỏi những cuộc khủng hoảng quy mô lớn như vậy. Ở trong nước, tỷ lệ thất nghiệp giảm, kinh tế được hồi phục, tài chính ổn định. Còn ở nước ngoài, ông Obama đã kết thúc các cuộc chiến mà chính quyền G.W.Bush để lại. Dù Obama làm được ít hơn những điều ông đã hứa khi ra tranh cử, nhưng điều quan trọng là ông đã ổn định được đất nước.

Theo chuyên gia Vincent Michelot, có một điều chắc chắc là Tổng thống mãn nhiệm Obama không để lại tai tiếng lớn nào. Trong lịch sử nước Mỹ, ông Bush bị chỉ trích vì không kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão Katrina, Tổng thống Bill Clinton dính vào vụ bê bối tình dục Lewinsky, Tổng thống Nixon vướng vào vụ Watergate. Còn Tổng thống Obama “giữ mình” theo phương châm “Obama không tai tiếng”, “Đừng làm gì ngu ngốc”. Đây cũng là phương châm ông dùng để lãnh đạo đất nước hằng ngày và cả trong chính sách đối ngoại.

Trong khi đó, chuyên gia Romain Huret nhận xét: Điều mới mẻ giúp vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đi vào lịch sử nước này là khả năng hùng biện và phân tích mang tính xã hội. Ông là tổng thống trẻ, từng làm việc trong lĩnh vực xã hội chứ không theo lộ trình truyền thống, cổ điển như các tổng thống Mỹ khác.

Ông hợp với giới trẻ và trở thành hình mẫu lý tưởng về đạo đức trong sạch trong một bộ phận giới trẻ Mỹ. Ông Obama đại diện cho một giai đoạn lịch sử Mỹ, một lãnh đạo hiện đại, hiện thân của phép lịch sự phù hợp với nhiều nền văn hóa. Theo ông  Romain Huret, ông Obama đã mở ra một con đường mới và là tổng thống đầu tiên trong danh sách các nhà lãnh đạo đi theo con đường mới này.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, điểm hạn chế là cho dù ông Obama đã ổn định được cuộc sống cho tầng lớp trung lưu nhưng lại không làm được điều gì lớn lao cho người nghèo và người da màu. Tổng thống Obama nhận thức được vấn đề kỳ thị sắc tộc tại Mỹ nhưng không thể giải quyết.

Tóm lại, như nhận xét của tờ Le Figaro, giấc mơ ra đi với khúc khải hoàn, mang vòng nguyệt quế đi vào lịch sử nước Mỹ của ông Obama đang bị người kế nhiệm Trump làm phá sản. Với việc ông Trump kiên quyết hủy bỏ phần lớn các chính sách mà ông Obama đề ra trong 8 năm qua, nhất là Obamacare, ngay thời kỳ chuyển giao quyền lực đã biến trong con người ông thành một cuộc chiến đấu nhằm khẳng định dấu ấn và bảo vệ thành tích của mình.

Bài diễn văn từ biệt đầy cảm xúc và đôi khi ngậm ngùi trong nước mắt tại Chicago đi liền với việc “truyền đuốc”  cho  khát vọng về “giấc mơ Mỹ” mà ông Obama ôm ấp vẫn còn dang dở, thì bên cạnh đó chính là “cuộc chiến đấu cuối cùng của Obama cho về sau” về những thành quả của mình, như tờ Le Figaro nhận định.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.