.

Chuyến thăm "tuyến lửa"

Chuyến thăm vùng “tuyến lửa” của châu Á, đó là ba quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vào trung tuần tháng 3 vừa qua của một doanh nhân trên cương vị tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, được các nhà quan sát cho rằng diễn ra khá “lặng lẽ” và “được chuẩn bị hơi chậm” so với những gì mà trước khi bước vào Nhà Trắng Tổng thống Donald Trump tuyên bố về các mục tiêu chiến lược ở khu vực này.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Tillerson chia sẻ về những thách thức mà hai quốc gia này phải đối mặt, nhất là mối đe dọa về tên lửa của CHDCND Triều Tiên và nguy cơ xảy ra xung đột ở Biển Hoa Đông cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông; đồng thời khẳng định Washington sẽ sẵn sàng bảo vệ an ninh cho Tokyo và Seoul. Báo mạng Forbes dẫn nhận định của GS. Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales (Úc): “Việc Mỹ quay lại tập trung vào vùng Đông Bắc Á và viện dẫn điều khoản số 5 Hiệp ước song phương an ninh Mỹ - Nhật sẽ không làm Bắc Kinh hài lòng”.

Để điều đó sáng tỏ hơn thì phải đến chuyến công du của Tillerson tới Bắc Kinh. Đây là chuyến thăm của một quan chức cao cấp Mỹ đầu tiên kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng. Theo giới chuyên gia, có ít nhất 6 vấn đề mà Ngoại trưởng Mỹ phải xử lý về mối quan hệ phức tạp giữa Washington và Bắc Kinh, đó là: vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; quan điểm của Mỹ về Đài Loan; trục an ninh Mỹ - Nhật - Hàn; vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông; quan hệ thương mại; chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vào đầu tháng 4 tới. Song, chuyến đi của Ngoại trưởng Tillerson tới Bắc Kinh chưa phản ánh đúng quan điểm trước đó của chính ông và chủ nhân Nhà Trắng thường đăng đàn trước công luận.

Trong chặng dừng chân tại Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố chính sách được gọi là “kiên nhẫn chiến lược” của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đã chấm dứt, giờ đây mọi giải pháp mới sẽ được xem xét, trong đó không loại trừ “biện pháp quân sự” nếu Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân “đến mức” Washington cho rằng cần phải phản ứng.

Tờ Les Echos (Pháp) nhận định: Trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, có lẽ “quân bài đã được chia để chuẩn bị cho đợt mặc cả lớn” sẽ diễn ra tại cuộc gặp Trump - Tập Cận Bình sắp tới. Bắc Kinh có thể cam kết với Mỹ rằng sẽ tác động mạnh hơn đến Bình Nhưỡng, với điều kiện hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc không được triển khai. Tuy nhiên, “ít có khả năng” Washington chấp nhận và đây sẽ là điều khó khăn cho đôi bên để xử lý vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Còn vấn đề kinh tế, hiện tại, lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung có thái độ trái ngược hẳn nhau về nền kinh tế thế giới hiện nay, rõ rệt nhất là sự tương phản giữa bài diễn văn ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa mà Chủ tịch Tập Cận Bình đọc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos hồi tháng 1 vừa qua, ngược với tuyên bố của Tổng thống Trump vài ngày sau đó rằng, “bảo hộ mậu dịch sẽ giúp đất nước chúng ta thịnh vượng và hùng mạnh” (?!).

Theo tờ Financial Times, nền kinh tế thế giới còn đang gượng dậy sau cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ khó chống đỡ được nếu chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc diễn ra. Tuy sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Tillerson, Mỹ - Trung bày tỏ sẽ tránh xung đột thương mại, nhưng sự khác biệt về quan điểm như đã nêu trên khó kéo họ gần lại nhau một sớm một chiều.

Nhận định về chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Tillerson, tờ Japan Times (Nhật Bản) số ra ngày 22-3 đặt ra câu hỏi: Lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã vô tình tạo cho Trung Quốc một “mối quan hệ đại cường mới”? Theo nhận xét của tờ báo, lý do là vì trong chuyến đi đầu tiên tới nước này, Ngoại trưởng Tillerson đã sử dụng các cụm từ và ngôn ngữ thường được Trung Quốc sử dụng. Chẳng hạn, tại Bắc Kinh, ông Tillerson đề cập mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc được “xây dựng trên nguyên tắc không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và luôn tìm kiếm các giải pháp có lợi cho cả hai bên”. Đây là những ngôn từ thường được Bắc Kinh sử dụng và điều đó làm một số chuyên gia ngạc nhiên. Cụm từ “tôn trọng lẫn nhau” có thể được hiểu là tôn trọng những gì mà Trung Quốc xem là “lợi ích cốt lõi” của họ.

Trong các tuyên bố được công bố sau cuộc gặp với ông Tillerson, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: Hợp tác là “sự lựa chọn đúng đắn duy nhất” đối với quan hệ Trung - Mỹ, vì theo ông, các lợi ích chung của Trung Quốc và Mỹ vượt xa sự khác biệt giữa hai nước (?!). Tờ Hoàn Cầu Thời báo cũng nhấn mạnh rằng, ông Tillerson đã 2 lần đề cập “nguyên tắc không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”, trong khi chính phủ Obama trước đây không nói đến điều này.

Khi được hỏi, phải chăng ông Tillerson muốn gửi tín hiệu cho Bắc Kinh bằng cách diễn đạt với những ngôn từ gần như giống hệt nhau, phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, Ngoại trưởng Mỹ chỉ cố chuyển tải một điều là Washington cũng muốn có quan hệ “thắng - thắng” với Trung Quốc. Trong một tuyên bố, ông Tillerson đã thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng “trật tự dựa trên luật lệ để giải quyết các tranh chấp lãnh hải và tự do hàng hải và hàng không”.

Như vậy để thấy nhiều nội dung quan hệ Trung - Mỹ sau chuyến đi của Ngoại trưởng Tillerson tới “tuyến lửa” còn chưa định hình và nó sẽ được thể hiện tại cuộc gặp Trump - Tập Cận Bình sắp tới.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.