.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ "bạo miệng" và "mạnh tay"?

Căng thẳng đang leo thang trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là với 4 nước Đức, Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ. Đây là những quốc gia hoặc không cho phép cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại các nước này tổ chức tuần hành cổ vũ cuộc trưng cầu dân ý cải cách hiến pháp, hoặc từ chối cho các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến tham gia các sự kiện chính trị này.

Trong những ngày qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không ngừng chỉ trích giới lãnh đạo châu Âu bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất. Cơn giận của ông Erdogan ngày càng dữ dội mặc cho các lãnh đạo châu Âu kêu gọi điềm tĩnh.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại “bạo miệng” và “mạnh tay” đến vậy?

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU lâu nay âm ỉ bất đồng do con đường Ankara gia nhập EU gặp nhiều trắc trở. Tiến trình đàm phán luôn bị gián đoạn bởi một số thành viên của EU bày tỏ quan ngại về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ “có vấn đề”. Nhất là khi sự kiện dòng người di cư bất hợp pháp từ Trung Đông và Bắc Phi tràn vào châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ bị bỏ ngỏ. Đến khi EU đưa ra cam kết hỗ trợ tài chính cũng như hứa sẽ thúc đẩy tiến trình gia nhập cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực tế không làm đúng cam kết, làm Ankara thất vọng và đe dọa sẽ mở cửa cho dòng người tị nạn tràn vào châu Âu, càng làm mâu thuẫn đôi bên trở nên gay gắt.

Nhưng có lẽ vấn đề có tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc đảo chính hồi tháng 7-2016 nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan bất thành. Sau sự kiện này, chính phủ của Tổng thống Erdogan mạnh tay bắt bớ, đàn áp những người liên quan cuộc đảo chính..

Vì vậy, trong sự bất bình với Đức không chỉ có việc các chính khách Thổ Nhĩ Kỳ không được tới quốc gia châu Âu này để tham gia các cuộc tuần hành, mà Tổng thống Erdogan còn chỉ trích chính phủ Berlin cố tình bao che “các thành phần khủng bố” (bởi Đức không có bất cứ hồi đáp nào về 4.500 tài liệu liên quan đến các nghi can khủng bố mà Ankara gửi tới). Hiện Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gây áp lực, yêu cầu Đức cho phép dẫn độ các phần tử chống đối, bao gồm các sĩ quan quân đội, về Ankara xét xử. Đức đã nhiều lần phản đối hoạt động trấn áp của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.

Trên bình diện khác, là thành viên của NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng nối hai lục địa Á - Âu, không muốn mình ràng buộc bởi các mục tiêu do tổ chức này đặt ra. Khi xử lý vấn đề Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có cách nhìn khác với Mỹ cũng như với nhiều thành viên khác của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu xa rời và gần đây có những động thái liên kết với Nga trong vấn đề Syria, đẩy các đồng minh chiến lược của Ankara vào thế bị động, lúng túng.

Lý do mà Ankara đưa ra là Mỹ và các nước EU cứ nhắm vấn đề dân chủ, nhân quyền làm điều kiện cho mối quan hệ, nhưng không tính đến những thực tế mà chính phủ của Tổng thống Erdogan phải đối phó. Việc Thổ Nhĩ Kỳ cải cách hiến pháp nhằm củng cố quyền lực Tổng thống và cho phép ông Erdogan tiếp tục cầm quyền đến năm 2029 gây lo ngại cho Mỹ và EU.

Theo các nhà quan sát, chính vì lo sợ thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý sắp đến, với vỏ bọc cho kế hoạch tập trung quyền lực và lãnh đạo trọn đời, nên Tổng thống Erdogan quyết đánh lá bài là “tự biến thành nạn nhân” bị áp bức (?!). Do đó mới có những lời tuyên bố “mạnh miệng” và “mạnh tay” với Đức và Hà Lan như: Thổ Nhĩ Kỳ là nạn nhân của “Tây Âu ngạo mạn và khinh miệt đạo Hồi”, hay “chủ nghĩa phát-xít vẫn tồn tại mà “thủ đô” là The Hague”.

Thực tế, vị trí “chốt chặn” di dân nhập cư và vai trò then chốt giải quyết chiến tranh Syria là hai lá chủ bài khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan nghĩ rằng, ông có thể huy động dân chúng qua hình ảnh “người hùng” không sợ bất cứ ai, có khả năng “lấy lại những vùng lãnh thổ bị mất” để phục hồi một Thổ Nhĩ Kỳ “độc lập và kiêu hãnh” của thời quá khứ.

Diễn biến đó sẽ có hai tình thế, nếu Tổng thống Erdogan thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp sắp đến thì EU sẽ nhẹ nhõm; còn ông Erdogan chiến thắng thì tiến trình đàm phán sẽ đứt đoạn và giấc mơ làm công dân EU của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vỡ tan.

Nhưng ở khía cạnh khác, EU cũng đối mặt với nhiều thách thức từ Ankara về những vấn đề nêu trên bởi khối này đã không đoàn kết trước sự lấn lướt của Thổ Nhĩ Kỳ.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.