.

Cái gốc của sự thay đổi thất thường

Tính đến hôm nay (20-4), ông Donald Trump đã làm Tổng thống Mỹ tròn 3 tháng. Nhìn lại thời gian nắm quyền lãnh đạo đất nước, bên cạnh sự thất bại trong nhiều vấn đề đối nội, các nhà quan sát cho rằng, ông Trump đã làm chính sách đối ngoại của Mỹ thất thường, khó đoán định.

Khi chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump hứa sẽ làm cuộc cách mạng đối với chính sách đối ngoại bằng việc đưa ra hàng loạt vấn đề như: cải thiện quan hệ với Nga; coi NATO là tổ chức “lỗi thời”… Đặc biệt, ông Trump muốn làm nước Mỹ mạnh trên nền tảng của chủ nghĩa biệt lập.

Thế nhưng, sau 3 tháng nắm quyền lãnh đạo, ông Trump buộc phải dàn xếp một số vấn đề theo thực tế, thậm chí đã có những tuyên bố và cả hành động trái ngược nhau đến mức bất ngờ với sự xoay chuyển tới 180 độ.

Tuần báo Le Point (Pháp) số ra mới đây cho rằng, ông Trump từng “phá” các quy ước hay nghi thức ngoại giao. Ông không đọc báo cáo của quan chức ngoại giao nên liên tục mắc sai lầm với các đồng minh, như cúp ngang điện thoại với Thủ tướng Úc, không bắt tay Thủ tướng Đức trước các nhà báo… Ông cũng phàn nàn với Tổng thống Mexico về nhiều thứ. Thậm chí, ông còn cảnh báo các khu định cư mới của Israel có thể đe dọa tiến trình hòa bình khu vực trong bối cảnh Nhà Trắng vẫn kiên quyết ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu…

Danh sách các “đe dọa” của ông Trump trong cuộc cách mạng ngoại giao còn dài, như vấn đề hạt nhân Iran, chuyển trụ sở sứ quán Mỹ tại Jerusalem…, nhưng ông vẫn chưa làm gì cả.

Có 2 sự kiện gần đây làm dư luận chú ý: Một là, vốn là người luôn phản đối mọi can thiệp vào Syria và dường như dửng dưng với số phận của Tổng thống Bashar al-Assad, Tổng thống Trump bỗng nhiên quay ngoắt 180 độ. Từ một người theo chủ nghĩa biệt lập, ông nhanh chóng theo khuynh hướng can thiệp. Ngày 7-4, ông khiến cả thế giới ngạc nhiên khi ra lệnh bắn 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat tại Syria để đáp trả cái gọi là vụ tấn công hóa học do chính phủ Damascus tiến hành nhắm vào thường dân ở thị trấn Khan Sheikhoun, thuộc tỉnh Idlib. Đó cũng là tác nhân trực tiếp làm mục tiêu “hâm nóng” quan hệ với Nga trở nên xa vời.

Hai là, quan hệ với Trung Quốc càng cho thấy chính sách ngoại giao của ông Trump khó đoán định. Lên án, phê phán Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế, hay liên quan đến vấn đề CHDCND Triều Tiên, nhưng trước khi đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ vào đầu tháng 4-2017, trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông gửi một thông điệp “khó đoán”: “Tôi có một sự tôn trọng lớn dành cho ông Tập Cận Bình. Tôi cũng rất tôn trọng Trung Quốc. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu chúng ta làm điều gì đó gây ấn tượng mạnh và tốt cho cả hai nước và tôi thực sự hy vọng như vậy” (?!).

Điều mà ông Trump làm được trong cuộc gặp là trước khi dùng món tráng miệng của tiệc chiêu đãi, nhà lãnh đạo Mỹ bất ngờ thông báo với ông Cận Bình rằng, quân đội Mỹ vừa bắn tên lửa hành trình vào Syria. Đây được xem là thông điệp trực tiếp để khẳng định lại điều mà trước đó ông tuyên bố xung quanh vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên rằng: “Chúng tôi không còn trông cậy vào các ông để giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên, chúng tôi sẽ tự mình hành động”.

Cuộc gặp Trump - Tập Cận Bình được đánh giá “rất khó khăn” với nhiều cuộc đàm phán nhạy cảm về thâm hụt thương mại và vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Nhưng quyết định đầy ngạc nhiên của Trump đã làm đảo lộn mọi vấn đề ưu tiên và gửi một tín hiệu đặc biệt mạnh mẽ đến châu Á: Tổng thống Mỹ “sẵn sàng đưa ra các biện pháp dứt khoát, khi cần thiết”, như tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Không những vậy, ngay sau khi ông Tập Cận Bình rời Mỹ chỉ một ngày, ông Trump đăng đàn trên Twitter rằng, nếu Trung Quốc gây áp lực buộc CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân thì Bắc Kinh sẽ có lợi trong thỏa thuận thương mại mà hai bên sẽ đàm phán sắp tới. Vậy là cùng với “cây gậy” hướng về CHDCND Triều Tiên, ông Trump tung ra “củ cà rốt” cho Trung Quốc. Nhưng liệu đòn tung hứng này có kết quả hay không thì phải chờ, vì mọi việc cũng chỉ mới khởi đầu và đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng cho các bên liên quan.

Ông Philip Gordon, cựu cố vấn trong chính phủ Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama nhận định: “Hành động của ông Trump cho thấy ý định công bố bất kỳ quan điểm nào, miễn là phù hợp với thời điểm đó và phục vụ lợi ích chặt chẽ của ông trong ngắn hạn, nên ông ấy không cảm thấy chút đắn đo khi đổi ý”. Tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) ngày 14-4 cho rằng, mặc dù ông Trump làm Tổng thống còn chưa đến 100 ngày, nhưng ông đã có sự thay đổi to lớn trên các phương diện như chính sách ngoại giao. Một mặt, bắt đầu coi trọng Trung Quốc - nước chỉ vài ngày trước còn bị tấn công mạnh mẽ; mặt khác, tuyên bố quan hệ với Nga đã rơi vào “tình cảnh gay go nhất”, trong khi trước đó ông công khai tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Mátxcơva. Thậm chí, khi nói đến NATO, ông Trump không nhắc lại quan điểm “NATO đã lỗi thời” mà còn dẫn lời cựu tổng thống Mỹ Harry S. Truman, đảo ngược thành “NATO là lá chắn của hòa bình và an ninh quốc tế”.

Vậy nhân tố nào để ông Donald Trump thay đổi thất thường về chính sách ngoại giao? Đó là sự chi phối chiến lược địa - chính trị truyền thống của Mỹ và coi trọng thực tế. Từ các phát biểu và hành động cho thấy, ông Trump vẫn áp dụng “chính trị cường quyền” truyền thống và chính sách răn đe để ứng phó với từng tình huống cụ thể.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.