.

Động binh

Tình hình thế giới trong những ngày qua có những diễn biến vô cùng phức tạp, đan xen nhau bằng nhiều yếu tố khó lường và có nguy cơ đẩy thế giới tới các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu.

Với vai trò là cường quốc số một thế giới, Mỹ cùng lúc đứng trước hai vấn đề phải đối phó và cũng liên quan trực tiếp đến hai cường quốc khác là Nga và Trung Quốc. Một là với Nga trên chiến trường Syria. Kể từ khi Nga nỗ lực hóa giải vấn đề vũ khí hóa học, sau đó chính thức can thiệp sâu bằng không quân, hỗ trợ đắc lực cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad chống lực lượng nổi dậy và khủng bố, nhất là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng nghĩa gia tăng căng thẳng giữa Mátxcơva với Mỹ và các đồng minh của Washington.

Những tháng gần đây, khi quân đội Syria giành nhiều chiến thắng trên các mặt trận, đẩy lực lượng thân phương Tây vào thế bị động, tiêu diệt và giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ do IS chiếm đóng, buộc Mỹ phải tính toán lại chiến lược can thiệp của mình.

Mỹ và các đồng minh tiếp tục duy trì con bài “vũ khí hóa học” để loại bỏ chính phủ của Tổng thống Assad. Đúng như các nhà quan sát nhận định, cuộc tấn công của Mỹ bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria nhằm trả đũa việc chính phủ Damascus sử dụng vũ khí hóa học giết hại thường dân ở thị trấn Khan Sheikhoun, thuộc tỉnh Idlib ngày 4-4 làm cả thế giới sốc. Song, Nga và Tổng thống Assad không ngạc nhiên về động thái của Mỹ, mà coi đó là hành động xâm lược có tính toán. Ngày 11-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố thông tin chấn động: “Chúng tôi có thông tin cho rằng, một vụ khiêu khích tương tự đang được chuẩn bị ở một số nơi tại Syria, trong đó có vùng ngoại ô phía nam thủ đô Damascus, nơi họ đang lên kế hoạch gài một số hóa chất và cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học”.

Tiếp sau việc bắn tên lửa, Mỹ tiếp tục huy động binh lực với tuyên bố: Washington sẽ tiếp tục các hành động cứng rắn hơn để tiến tới hình thành chính phủ Syria không có Tổng thống Assad. Đồng thời, thông qua Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Lucca của Ý, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định Nga phải lựa chọn: hoặc đứng về phía Mỹ và các nước có chung quan điểm, hoặc tiếp tục ủng hộ Tổng thống Assad, Iran và nhóm phiến quân Hezbollah.

Đáp trả, Nga cũng gia tăng các tàu chiến quân sự đến gần bờ biển Syria, đồng thời có các tuyên bố cứng rắn, như Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Yury Shvytkin khẳng định: “Nếu xuất hiện bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào các đơn vị của chúng ta tại Syria, một nỗ lực tấn công từ bất kỳ ai, tất nhiên, không nhiều lời, mà sẽ có hành động thực”.

Có thể nói, đây là cuộc động binh giữa hai cường quốc Nga và Mỹ, mang nhiều nguy cơ xung đột khó lường tại quốc gia thứ ba là Syria và nếu xảy ra thì có lẽ nhanh chóng biến thành cuộc xung đột mang tính toàn cầu, vì đằng sau nó không chỉ Syria mà cả khu vực Trung Đông và cả châu Âu do có liên quan đến vấn đề Ukraine.

Hai là vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Syria đúng thời điểm Tổng thống Donald Trump tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hành động của Mỹ cùng lúc gửi đi hai thông điệp cho Syria và CHDCND Triều Tiên.

Theo Kyodo (Nhật Bản), trước cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ hồi đầu tháng 4, Mỹ nói với Nhật Bản rằng, nước này có thể phải tiến hành phương án quân sự đối với CHDCND Triều Tiên nếu Trung Quốc không tăng cường sức ép để Bình Nhưỡng kiềm chế các tham vọng hạt nhân và tên lửa. Trong khi đó, trả lời đài truyền hình ABC ngày 8-4, Ngoại trưởng Rex Tillerson gắn liền quyết định tấn công một căn cứ quân sự Syria với vấn đề Triều Tiên khi cho rằng, đây là “thông điệp Mỹ gửi tới tất cả các quốc gia nào trên thế giới vi phạm luật pháp và các thỏa thuận quốc tế”, trong đó có cả Bình Nhưỡng.

Đi đôi với các tuyên bố, Mỹ tiến hành cuộc động binh trên quy mô lớn. Ngoài cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, nhóm tàu tấn công của Mỹ, do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson dẫn đầu, được điều đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.

Cùng với cuộc động binh của Mỹ, một tờ báo của Hàn Quốc cho hay, Trung Quốc đã triển khai 150.000 binh sĩ đến biên giới với Triều Tiên nhằm sẵn sàng đối phó với làn sóng người tị nạn tràn sang từ nước láng giềng phòng trường hợp Mỹ tấn công Bình Nhưỡng.

Nhận định về cuộc động binh xung quanh bán đảo Triều Tiên, Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Anh (MI-6) John Sawers cảnh báo, tính khí của ông Donald Trump có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh nguy hiểm hơn bất cứ thứ gì có thể xảy ra ở Syria. Ông Sawers nói: “Nếu bạn đang tìm kiếm một cuộc khủng hoảng thế giới có thể gây ra những mối nguy hiểm của một cuộc đụng độ giữa các cường quốc, thì Triều Tiên là mối quan tâm lớn hơn Syria”.

Vậy là thế giới đang đứng trước nguy cơ xung đột vũ trang thảm khốc có thể nổ ra ở hai điểm nóng là Syria và CHDCND Triều Tiên, nhưng có liên quan đến 3 cường quốc hàng đầu về kinh tế và quân sự là Mỹ - Nga - Trung. Do vậy, bài toán hóa giải cũng phải do chính họ mà thôi!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.