Đối thoại là xu thế tất yếu

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều điểm nóng, làm cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại vì có thể xảy ra xung đột vũ trang bất cứ lúc nào.

Trước hết, đó là giữa Nga với châu Âu xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine, nhất là khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Chính hai vấn đề đó đã đẩy quan hệ Nga - châu Âu xuống mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Cả hai bên đã tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau và có các động thái gây bất an như: bố trí quân đội, căn cứ quân sự, đặt tên lửa đạn đạo, tiến hành tập trận quy mô lớn... gần biên giới của nhau.

Đặc biệt, Đức - quốc gia chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) - cùng với đồng minh Mỹ và châu Âu đổ lỗi, cáo buộc Nga “tiếp tay” cho lực lượng ly khai gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở đông Ukraine. Dưới sức ép của Mỹ, Đức cùng các nước thành viên EU tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Từ người bạn thân của Nga, Đức bỗng chốc trở thành nước dẫn dắt EU trong cuộc đối đầu với Mátxcơva.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu đó xem ra không hiệu quả, Nga cũng thiệt hại mà Đức hay cả EU cũng chịu nhiều tổn thất nặng nề. Bởi vậy, ngày 2-5 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến thăm Nga. Đây được xem là chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel đến Nga kể từ năm 2015, dấu hiệu cho thấy đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo được nối lại sau những căng thẳng kéo dài 2 năm qua liên quan đến vấn đề Ukraine.

Ngoài ra, chuyến thăm của Thủ tướng Đức còn nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra ở Hamburg (Đức) vào đầu tháng 7 tới, mà Berlin gọi Mátxcơva là đối tác quan trọng trong tổ chức này.

Chuyến thăm của Thủ tướng Đức được cho là cơ hội để hai nước khôi phục quan hệ song phương. Không ít nhà phân tích tin rằng, thời kỳ băng giá trong quan hệ Nga - Đức sắp kết thúc bởi cả hai bên đều phát đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng quay lại hợp tác với nhau.

Hai là, quan hệ Nga - Mỹ. Đây là hai cường quốc đang có những mâu thuẫn vô cùng sâu sắc, nhanh chóng đẩy quan hệ song phương trở nên “băng giá” xung quanh hàng loạt các vấn đề như: Ukraine, Syria, hay việc Nga bị tố can thiệp bầu cử ở Mỹ... Nhất là gần đây, việc Mỹ bất ngờ tấn công tên lửa vào sân bay của Syria - nơi Nga can thiệp quân sự giúp chính phủ Syria chống khủng bố - tạo nguy cơ đối đầu quân sự tại khu vực này.

Do vậy, trong thời gian qua, ngoài việc cùng các đồng minh châu Âu gia tăng áp lực cả kinh tế và quân sự nhằm vào Nga, Mỹ đã có hàng loạt hành động như đưa quân, vũ khí vào các vùng lãnh thổ của các đồng minh gần biên giới Nga, tiến hành các hoạt động khác có liên quan mà Mátxcơva cho rằng “không thể chấp nhận được” và đe dọa đến an ninh nước Nga!

Tuy nhiên, sau hàng loạt sự kiện nói trên, ngày 2-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đề nghị có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo hàng loạt vấn đề trong hợp tác song phương trên trường quốc tế, trọng tâm là triển vọng phối hợp hành động chống khủng bố, giải quyết thực tế tình hình tại Syria; đồng thời bày tỏ ý kiến ủng hộ tổ chức một cuộc gặp riêng nhân dịp hội nghị G20 tại Hamburg (Đức) vào tháng 7 tới.

Ba là, xung quanh điểm nóng về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà trực tiếp là giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, hai bên không chỉ đưa ra những cáo buộc lẫn nhau mà còn dàn binh bố trận với quy mô chưa từng có cho cuộc đối đầu quân sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đến thời điểm hiện nay, hai bên vẫn chưa “xuống thang” nhưng đã có những động thái có thể làm “hạ nhiệt” nguy cơ chiến tranh bằng việc đối thoại. Thông qua Trung Quốc và Nga, Mỹ muốn các quốc gia này gây áp lực, buộc CHDCND Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết bất đồng.

Thế nhưng, ngày 1-5, khi trả lời phỏng vấn độc quyền với hãng tin Bloomberg, Tổng thống Trump bất ngờ nêu rõ: “Nếu điều kiện phù hợp, tôi đương nhiên sẽ gặp ông ấy (nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un). Tôi lấy làm vinh dự về điều đó”. Ông Trump cho rằng, hầu hết các chính trị gia không bao giờ tuyên bố như vậy, song ông khẳng định vẫn để ngỏ khả năng gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên nếu thấy phù hợp.

Những diến biến từ các sự kiện nổi bật nói trên càng cho thấy, đối đầu quân sự hay gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nhau thì cả đôi bên đều gánh những hậu quả nặng nề trước mắt và lâu dài. Còn xu thế đối thoại, tìm các biện pháp để xây dựng lòng tin, từng bước giải quyết các bất đồng là hướng đi phù hợp và đúng đắn nhất.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.