Thông điệp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mang đến Trung Đông trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên là Israel và Palestine có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình, trước đó ông nói rằng điều này không khó như mọi người nghĩ. Song, nhà lãnh đạo Mỹ không đề cập chi tiết về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu này.
Cả Saudi Arabia lẫn Israel đều cho rằng, chuyến thăm của ông Trump đến Trung Đông là một bước ngoặt. Điều đó có thể đúng, bởi chuyến thăm này sẽ giúp Mỹ và Saudi Arabia xích lại gần nhau hơn, cũng như giúp Mỹ và Israel hàn gắn mối quan hệ vốn rạn nứt suốt 8 năm qua dưới thời chính phủ Barack Obama. Tuy nhiên, hòa bình ở Trung Đông, cụ thể là giữa Israel với Palestine vẫn là điều xa vời, mặc dù hai nhà lãnh đạo Benjamin Netanyahu và Mahmoud Abbas khẳng định sẵn sàng “bắt tay” với nhau.
Tại Bảo tàng Israel, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Kiến tạo hòa bình sẽ không dễ dàng” (xem ra có vẻ mâu thuẫn so với tuyên bố trước đó của ông). Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Israel và Palestine đều đối mặt với những quyết định khó khăn nhưng “với sự quyết tâm, hòa giải và niềm tin rằng hòa bình là điều có thể, Israel và Palestine có thể đạt được thỏa thuận”.
Vấn đề mấu chốt khiến tiến trình hòa bình Trung Đông bế tắc chính là địa vị pháp lý và ngoại giao của Jerusalem. Israel chiếm đông Jerusalem và Bờ Tây vào năm 1967 nhưng sự chiếm đóng này không được cộng đồng quốc tế công nhận. Israel tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô của nước này. Trong khi đó, người Palestine xem đông Jerusalem là thủ đô nhà nước tương lai của mình. Và hàng loạt vấn đề được đặt ra nhưng không tìm được lời giải: đường biên giới cho nhà nước Palestine trong tương lai, các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất do Israel chiếm đóng, quy chế đối với thành phố Jerusalem…
Trong nhiều thập niên qua, chính sách đối ngoại của Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước: một nhà nước Israel sống hòa bình và an ninh bên cạnh một nhà nước Palestine. Tổng thống Trump hiện ủng hộ giải pháp này. Tuy nhiên, trong chuyến công du Trung Đông, ông không đề cập giải pháp hai nhà nước. Các nhà quan sát cho rằng, với cách tiếp cận mập mờ này, Tổng thống Trump sẽ khó tạo đột phá trong tiến trình hòa bình Trung Đông và những tuyên bố hay cam kết của ông chỉ mang tính “biểu tượng ngoại giao” mà thôi! Hơn nữa, giới quan sát cũng nghi ngờ việc nhà lãnh đạo Mỹ thiếu kế hoạch cụ thể trong việc làm trung gian cho tiến trình hòa bình Trung Đông và sẽ không có động thái thật sự nào để thúc đẩy một thỏa thuận giữa Israel với Palestine.
Các cuộc đàm phán gần đây nhất giữa Israel và Palestine, do cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dẫn đầu, đổ vỡ vào tháng 4-2014. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas đều tái khẳng định cam kết hòa bình nhưng cả hai ông cũng đối mặt với những hạn chế ở trong nước về khả năng thỏa hiệp. Thủ tướng Netanyahu phải đối phó với sự chống đối từ lực lượng cánh hữu trong liên minh của ông, những người phản đối việc hình thành bất kỳ nhà nước Palestine nào trên lãnh thổ chiếm đóng - nơi có hàng trăm ngàn người tái định cư Do Thái sinh sống. Bên cạnh đó, chưa hẳn ông Netanyahu ủng hộ giải pháp hai nhà nước; nếu ủng hộ thì ông đã không thúc đẩy các dự án tái định cư cho người Do Thái mà bất chấp sự phản đối của Palestine như thế. Trong khi đó, đảng Fatah của ông Abbas gặp nhiều khó khăn với nhóm Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Gaza nên khó tạo ra một nhà nước Palestine thống nhất.
Trong chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Trump đóng vai trò là người kiến tạo hòa bình, dù ông mô tả cơ hội cho hòa bình là “rất mong manh và hiếm có”. Tuy nhiên, dường như ông đã quá kỳ vọng vào một tiến trình vô cùng khó khăn, phức tạp mà những người tiền nhiệm của ông đều lãng tránh hoặc gặp thất bại.
VĨNH AN