Đâu là nguyên nhân cốt lõi?

Nằm ở cầu nối giữa hai bờ lục địa Á - Âu, những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn đối mặt với nhiều thách thức to lớn, trong đó nổi lên là xung đột ở Syria và cả Trung Đông, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề người di cư, hay hàng loạt biến cố trong nước, cũng như xử lý các mối quan hệ giữa các nước lớn...

Đặc biệt, cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi năm ngoái đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào tâm điểm chú ý của Mỹ và châu Âu. Những biến động đó nhanh chóng làm gia tăng bất đồng giữa Ankara với Liên minh châu Âu (EU) thời gian gần đây, trong đó chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ với Đức, thành viên chủ chốt của EU, xoay quanh vấn đề nhân quyền. Căng thẳng leo thang khi một tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18-7 ra lệnh bắt giữ 6 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có một công dân Đức, do tình nghi những người này thuộc một tổ chức khủng bố.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đặt mối quan hệ kéo dài nhiều thế kỷ giữa hai nước vào rủi ro. Đồng thời, Đức cảnh báo áp đặt các biện pháp mạnh nhằm vào lĩnh vực du lịch và đầu tư tại Thổ Nhĩ Kỳ, xem xét lại toàn bộ mối quan hệ vốn đang trục trặc giữa hai nước.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, những hành động phản đối của giới chức Đức đang can thiệp trực tiếp vào hệ thống tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ và vượt quá giới hạn cho phép. Thậm chí, ngày 25-7, Tổng thống Erdogan mạnh mẽ lên tiếng chống lại phương Tây với tuyên bố rằng, thời đại của Thổ Nhĩ Kỳ phục tùng mọi yêu cầu của phương Tây đã chấm dứt. Ông Erdogan cũng nói rằng, một khi Đức không trục xuất những kẻ ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi năm ngoái, trở về Thổ Nhĩ Kỳ, thì nước này sẽ coi Đức là mảnh đất bảo vệ những kẻ khủng bố (?!).

Có thể thấy rất rõ, trong một năm qua, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU, nhất là giữa Thổ và Đức, luôn trong tình trạng sóng gió. Hai bên từng có những hành động trả đũa khi Ankara từ chối cho phép các nghị sĩ Đức đến thăm binh lính của nước này đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Đức đã ngăn chặn các quan chức Thổ tới nước này để tiến hành vận động cho cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp nhằm tập trung quyền lực vào Tổng thống Erdogan.

Nhưng có lẽ đó là nguyên cớ, còn nguyên nhân sâu xa mâu thuẫn giữa hai nước thành viên NATO này ở một khía cạnh khác chính là con đường gia nhập EU của Ankara bị cản trở kéo dài cả chục năm qua. Nghị viện châu Âu ngày 6-7 đã yêu cầu đình chỉ các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập EU nếu Ankara tiến hành sửa đổi Hiến pháp sau cuộc trưng cầu dân ý theo hướng gia tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan. Như đổ thêm dầu vào lửa, trong cuộc họp các đại sứ EU ngày 20-6 vừa qua để bàn về quỹ tài chính khu vực, Đức đã ngăn cản việc mở một vòng đàm phán giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan việc nước này gia nhập EU. Chính quyền Đức cũng phê phán ông Erdogan về cách xử lý cuộc biểu tình tại nhiều thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, tiến hành các vụ bắt bớ, vi phạm nhân quyền...

Tiến trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU đang bị đóng băng. Ngày 25-7, tại Brussels, các quan chức EU và Thổ nhóm họp nhưng cuộc gặp gỡ này chưa thể làm giảm căng thẳng giữa 28 quốc gia liên minh và Ankara. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là ứng cử viên gia nhập EU, bất chấp những lo ngại sâu sắc về các vấn đề nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Song, bà Mogherini cảnh báo, phía Thổ Nhĩ Kỳ cần có những bước đi cụ thể trước khi có thể đạt được bất cứ tiến bộ nào đối với tư cách ứng cử viên lâu năm của Ankara.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.