Sức ép đến đâu?

Việc CHDCND Triều Tiên ngày 4-7 phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tên Hwasong-14 có khả năng bay tới bang Alaska của Mỹ diễn ra đúng ngày Quốc khánh Mỹ và ngay sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kết thúc chuyến thăm Mỹ. Trong chuyến thăm này, ông Moon và Tổng thống Donald Trump nhất trí tìm cách dần phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và sẽ nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres chỉ trích mạnh mẽ vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên, khẳng định đây là sự vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và đẩy tình hình vốn căng thẳng tiếp tục leo thang.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng lên án việc CHDCND Triều Tiên phóng ICBM, đồng thời cho biết Washington “sẽ không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân”. HĐBA LHQ sẽ nhóm họp vào tối 5-7 (sáng 6-7, giờ Việt Nam).

Về phía Nhật Bản, phát biểu với báo giới tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ phối hợp với Hàn Quốc và Mỹ để gây thêm sức ép lên CHDCND Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đóng vai trò “xây dựng” để giải quyết vụ việc. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo nhận định nhiều khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 sau vụ thử ICBM này.

Dư luận đặt ra câu hỏi rằng, sức nặng của các nghị quyết của HĐBA LHQ cũng như sức ép trực tiếp từ phía Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… lâu nay về vấn đề tên lửa và chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên có tác dụng đến đâu; nó mạnh đến mức nào để Bình Nhưỡng không đủ khả năng tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân. Đến nay, HĐBA LHQ đã có hàng chục nghị quyết lên án cũng như gia tăng các biện pháp trừng phạt về chính trị, kinh tế nhằm vào Bình Nhưỡng, nhưng dường như chưa đủ mạnh để gây áp lực buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.

Còn với Mỹ, qua nhiều đời tổng thống cũng từng tuyên bố rằng, Washington không chấp nhận CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngay Tổng thống Mỹ đương nhiệm trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 30-6 đã nói rằng: “Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược với chính quyền CHDCND Triều Tiên đã dần cạn. Và nói thẳng ra thì sự kiên nhẫn đó đã kết thúc”. Tuy vậy, sự kiên nhẫn đó của Mỹ kết thúc dưới hình thức nào: hoặc gia tăng biện pháp trừng phạt kinh tế - chính trị, hoặc bằng cuộc tấn công quân sự… để buộc Bình Nhưỡng phải chấm dứt chương trình hạt nhân, như chủ nhân Nhà Trắng đã có lần úp mở, xem ra vẫn còn rất mơ hồ.

Ngay sau khi xảy ra vụ thử nói trên, Tổng thống Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Twitter rằng, Trung Quốc có thể thử “động thái mạnh” chống lại chính quyền của ông Kim Jong-un, đồng thời gợi ý rằng Hàn Quốc và Nhật Bản có thể ra hành động trừng phạt Bình Nhưỡng (?!).

Trước đó, ông Trump cũng đã chính thức nhờ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - quốc gia đồng minh có nhiều mối liên hệ và cận kề với CHDCND Triều Tiên - gây sức ép để buộc Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, xem ra càng ngày Bình Nhưỡng càng lấn tới, liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa có tầm bắn hàng ngàn km. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn tuyên bố sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào thời điểm thích hợp. Điều đó làm cho Mỹ nghi ngờ vai trò, trách nhiệm và sự thực tâm của Trung Quốc trong việc cùng với Mỹ tháo nút thắt đầy gai góc tại khu vực Đông Bắc Á này.

Có thể nói, việc CHDCND Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa nhằm tiến tới hoàn thiện ICBM là bước đi vô cùng nguy hiểm, gây sự lo ngại cho cả cộng đồng quốc tế. Đây thật sự là bài toán vô cùng khó khăn cho HĐBA LHQ, mà trực tiếp là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, để hóa giải vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.