Đâu là lằn ranh đỏ?

Kể từ khi lên thay cha nắm quyền lãnh đạo đất nước cách đây 6 năm, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo thực hiện hơn 80 vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Bất chấp hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn cùng đe dọa trả đũa của Mỹ và cộng đồng quốc tế, CHDCND Triều Tiên vẫn kiên quyết theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Mới đây nhất là Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công một quả bom H có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay, mạnh gấp 6 lần quả bom hạt nhân đã hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Sự kiện này không chỉ gây rung chấn đất nước Triều Tiên, mà còn làm sự ổn định của châu Á trở nên phức tạp, và xa hơn là cả hệ thống quốc tế trở nên bất ổn. Bởi lẽ, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là một câu hỏi lớn được đặt ra trong nhiều năm qua. Cứ mỗi lần CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân hoặc tên lửa, Mỹ lại lên tiếng cảnh báo Bình Nhưỡng đang tiệm cận tới lằn ranh đỏ, hay nói cách khác là Bình Nhưỡng đã chạm tới giới hạn để có thể xảy ra chiến tranh.

Nhiều năm qua, các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng các bên liên quan gồm CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản đã có các cuộc đàm phán 6 bên, hay một số phương cách để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhưng do cách tiếp cận, quan điểm không thống nhất và bị chia rẽ bởi những tác nhân khác nên việc hóa giải vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trở nên nửa vời. Đây là bài toán vô cùng hóc búa mà chính quyền Mỹ và các đồng minh phải đối mặt cả trước mắt lẫn lâu dài.

Trong khi đó, tình hình thế giới có những thay đổi nhanh chóng, các cuộc chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại... làm thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của các bên có liên quan, đẩy mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên phức tạp.

Đáng chú ý hơn khi Joel S.Wit, chuyên gia về Triều Tiên, người sáng lập trang web địa chính trị 38 North.org chuyên theo dõi các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên cho rằng, vụ thử hạt nhân diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS là một cú đánh trực tiếp vào Bắc Kinh vì “Kim Jong-un biết rõ là Tập Cận Bình có khả năng thực sự ảnh hưởng đến tính toán ở Washington… Ông ta đang gây sức ép lên Trung Quốc để Bắc Kinh nói với Trump: Hãy đàm phán với Kim Jong-un” (?!). Theo chuyên gia này, điều mà ông Kim Jong-un mong muốn nhất là nói chuyện được với Washington, với hy vọng đạt thỏa thuận cắt giảm quân số Mỹ tại Hàn Quốc và để yên cho Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong tính toán của ông Kim Jong-un, Trung Quốc đủ sức thúc đẩy cho cuộc đàm phán đó xảy ra.

Mặt khác, Bình Nhưỡng đang thử thách những tuyên bố hùng hồn của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ. Thậm chí, Bình Nhưỡng không ngần ngại lên kế hoạch tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ngày 4-9, Rodong Sinmun - tờ báo của Đảng Lao động Triều Tiên đăng xã luận khẳng định vụ thử hạt nhân cho thấy ý định của Triều Tiên là vĩnh viễn xóa sổ Mỹ khỏi trái đất nếu Washington có bất kỳ động thái khinh suất nào nhằm vào Bình Nhưỡng. Đây là hành động mà không có quốc gia/tổ chức nào đe dọa tấn công nước Mỹ, ngoại trừ Bình Nhưỡng, Al-Qaeda và IS.

Một câu hỏi lúc này là Tổng thống Mỹ còn có những giải pháp nào nữa đối với CHDCND Triều Tiên? Tổng thống Donald Trump cảnh báo, ông rất có thể cắt đứt các quan thương mại với tất cả những quốc gia làm ăn với Bình Nhưỡng, trong đó có Trung Quốc. Nhưng cách này có giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay không? Hơn nữa, Tổng thống Trump có sẵn sàng lao vào một cuộc xung đột quân sự đối đầu với một nước mà từ nay dường như là một cường quốc hạt nhân hay không?

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis không bác bỏ giả thuyết về quân sự. Ông cho rằng, mọi mối đe dọa nhắm vào Mỹ và lãnh thổ Mỹ, kể cả Guam, hoặc nhắm vào các đồng minh của Mỹ sẽ phải hứng chịu phản ứng quân sự ồ ạt, hiệu quả và áp đảo. Nhưng ông chủ Lầu Năm Góc vẫn mong muốn có giải pháp ngoại giao. Còn bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an ở New York rằng, nước Mỹ không muốn chiến tranh nhưng sự kiên nhẫn không phải là vô hạn.

Vậy đâu là lằn ranh đỏ mà Mỹ đặt ra cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nếu một khi Bình Nhưỡng vượt qua? Một khi Bình Nhưỡng chạm vạch thì đó là một cuộc chiến tranh không mong muốn với sức hủy diệt chưa thể lường hết mà cả đôi bên phải gánh chịu, hay chỉ là một giới hạn nửa vời mà không ai đoán biết?

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.