Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 72 ngày 19-9 ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh 7 thách thức mà thế giới đang phải đương đầu, đó là:
Hàng triệu người trên thế giới sống trong nỗi sợ hãi giữa bối cảnh các vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên; mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố trên quy mô toàn cầu; những cuộc xung đột chưa được giải quyết và tình trạng vi phạm một cách đồng bộ luật nhân đạo quốc tế; tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa tương lai của loài người; tình trạng bất bình đẳng đang gây phương hại đến những nền tảng của xã hội và khế ước xã hội; công nghệ sẽ tiếp tục là trung tâm của quá trình chia sẻ sự tiến bộ nhưng cũng có thể mang lại những hậu quả ngoài mong muốn (cụ thể là mối đe dọa an ninh mạng ngày càng leo thang); và cuối cùng là nạn di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai kết thúc.
Đại diện cho tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, đứng trước những thử thách đó, ông Guterres đã thốt lên: “Thế giới của chúng ta đang lâm nguy. Con người đang bị tổn thương và giận dữ. Họ phải chứng kiến tình trạng mất an ninh leo thang, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, xung đột lan rộng và hiện tượng biến đổi khí hậu. LHQ đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng”.
Điều đó cho thấy một thế giới hoài nghi, bất an, phức tạp với hàng loạt mối đe dọa đang hằng ngày lan rộng khắp nơi, len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm, gây biến động cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà..., ở tất cả các quốc gia trên trái đất này.
Nếu đó là quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan... thì phải đối mặt với nguy cơ khủng bố, an ninh mạng đến mức vô cùng nghiêm trọng. Người dân luôn sống trong nỗi sợ hãi khi ra đường, khi lên tàu điện ngầm, hay tụ tập để xem các chương trình văn nghệ, thể thao. Mạng sống của con người ngày càng trở nên mong manh, khó lường.
Nếu đó là nước nghèo, chậm phát triển, điển hình như khu vực Trung Đông, thì nhiều thập niên qua phải đối mặt với hàng loạt các cuộc xung đột biên giới, chiến tranh xâm lược và nội chiến triền miên, đẩy hàng triệu người phải rời nơi cư trú và lâm vào cảnh đói nghèo, màn trời chiếu đất; hàng vạn người thiệt mạng hay chịu thương tích suốt đời. Hành trình đi tìm kiếm một nền hòa bình cho các quốc gia này như “tìm kim ở đáy bể”. Không biết bao nhiêu lời hứa, bao nhiêu cuộc gặp, thậm chí không ít lần hiệp ước hòa bình được ký, nhưng rồi mọi việc lại đâu vào đấy, súng vẫn nổ, người dân vẫn thiệt mạng; còn người già, trẻ em, phụ nữ vẫn quằn quại trong nỗi đau vô tận.
Nếu đó là các quốc gia nằm ven biển, thì việc chịu sự tác động của biến đổi khí hậu gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, tác nhân là do hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, lượng khí thải từ các nước công nghiệp hàng đầu gây ra nhưng không có trách nhiệm hợp tác để cắt giảm. Hơn một năm trước, thỏa thuận khí hậu được ký ở Paris (Pháp) chưa ráo mực thì Mỹ, quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu và cũng là quốc gia có lượng khí thải lớn nhất, tuyên bố rời bỏ, chỉ vì lợi ích của nước này “bị cắt xén” khi thực thi hiệp ước (?!). Vậy là một sự cứu cánh cho trái đất, cho con người đứng trước những nguy cơ và thách thức mới.
Đặc biệt, mối đe dọa mới đã và đang hình thành xung quanh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch mới đây đặt cả cộng đồng quốc tế trước nguy cơ hủy diệt mới mà nhân loại từng chứng kiến vào năm 1945 tại nước Nhật. Ông Guterres phải thốt lên: “Hàng triệu người trên thế giới đang phải sống trong nỗi sợ hãi trong bối cảnh các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên” và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy làm mọi cách để ngăn chặn hiểm họa này.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh việc CHDCND Triều Tiên theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là mối đe dọa, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động mạnh mẽ nếu nước này không từ bỏ chương trình hạt nhân. Hay nói cách khác, nếu Bình Nhưỡng không chấm dứt chương trình hạt nhân và đe dọa nước Mỹ thì sự “hủy diệt khủng khiếp” có thể xảy ra.
Với những diễn biến như vậy, việc ông Guterres nhận định “Thế giới của chúng ta đang lâm nguy” không phải là không có lý. Nếu cả cộng đồng quốc tế không chung tay giải quyết và các quốc gia có liên quan trực tiếp vô trách nhiệm thì nhân loại sẽ phải chịu thảm họa do sự tàn phá của biến đổi khí hậu và do chính con người gây nên.
TUYẾT MINH