Kết thúc cho một sự mở đầu

Phát biểu với báo giới ngày 23-10 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tại thành phố Clark, miền Bắc Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nêu rõ: Chiến dịch kéo dài suốt 5 tháng qua của lực lượng an ninh và quân đội nước này chống phiến quân ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Marawi, thuộc đảo Mindanao, “đã chấm dứt và hiện không còn phiến quân nào tại thành phố này”. Đây là thắng lợi lớn của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, chiến thắng của Philippines ở thành phố Marawi báo hiệu sự khởi đầu cuộc chiến chống tội phạm nói chung và IS nói riêng của quốc gia này.

Thực tế, IS đã “để mắt” tới đảo Mindanao của Philippines và coi hòn đảo này là địa điểm tiềm năng của chúng tại châu Á. Năm 2014, IS còn tự phong cho thủ lĩnh phiến quân địa phương Ipsilon Hapilon là “emir”, tức “tiểu vương” của chúng tại khu vực. Khi quân đội Philippines tiêu diệt Hapilon và đồng bọn Omar Maute trong chiến dịch giải phóng Marawi, kế hoạch của IS dường như đã đổ vỡ.

Kênh CNN mới đây dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, bạo lực liên quan tới phiến quân Hồi giáo cực đoan vẫn có thể diễn ra tại Philippines với hình thức nguy hiểm và đa dạng hơn. GS. Julkipli Wadi tại Viện Nghiên cứu Hồi giáo thuộc Đại học Philippines dự báo, chắc chắn sẽ có nhân vật thay thế Hapilon và Maute. Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố Philippines, ông Rommel Banlaoi, thậm chí nêu cụ thể danh tính kẻ được cho là có thể kế nhiệm Hapilon, đó là tên phiến quân địa phương Furuji Indama, được coi là cấp phó của Hapilon. “Cái chết của các thủ lĩnh không đồng nghĩa với ngày tàn của tổ chức khủng bố. Chúng có hệ thống phức tạp và biết thích nghi”, ông Banlaoi nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Công ty Phân tích tình báo địa chính trị Mỹ Scott Stewart đánh giá: “Một trong những vấn đề với quần đảo này là phiến quân có nguồn gốc từ Abu Sayyaf, chúng là những kẻ đi biển điêu luyện, có thể di chuyển qua các địa điểm nên rất khó để khống chế. Chúng có thể trốn trong những hòn đảo khác có rừng rậm rạp hoặc thậm chí tại Mindanao”.

Tại một diễn đàn dành cho các nhà ngoại giao và lãnh đạo Đông Nam Á ở Manila, Tổng thống Duterte nói rằng, ông vừa hoàn thành cuộc chiến ở Marawi và có thể sẽ tái tập trung toàn bộ các lực lượng vũ trang nhằm đối phó dứt khoát với vấn đề này. Bên cạnh đó, ông Duterte cũng nhấn mạnh eo biển Malacca, nằm giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia, là một trong những tuyến vận tải bận rộn nhất thế giới, đang phải hứng chịu “chủ nghĩa khủng bố”. “Cần phải làm một điều gì đó, cần một hành động quyết liệt để đối phó với tình huống rất nguy hiểm này”, ông nói.

Philippines đã có chuẩn bị cho giai đoạn mới khi xuất hiện thêm nhiều âm mưu tấn công khủng bố. Ngoài nỗ lực của chính mình, Philippines cần sự hỗ trợ của các nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế, trong đó có nước láng giềng Indonesia, hay Úc, và cả đồng minh Mỹ…

Như thế để thấy, tội phạm nói chung và bóng ma vương quốc IS ở miền Nam Philippines là thách thức chính trị lớn nhất của ông Duterte. Việc giải phóng Marawi khỏi tay IS chính là sự khởi đầu cho cuộc chiến để xóa tan “bóng ma IS” khỏi đất nước này.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.