Tình trạng bạo lực súng đạn là vấn đề nhức nhối ở Mỹ, nhất là vài thập niên trở lại đây với ước tính 90 người thiệt mạng mỗi ngày. Hiện việc mua bán, sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kỳ sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý của người sở hữu súng. Và vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tại Las Vegas tối 1-10 vừa qua khiến cả thế giới bàng hoàng. Nước Mỹ tiếp tục bị tổn thương nghiêm trọng và vấn đề kiểm soát súng đạn tiếp tục gây chia rẽ trong công luận cũng như chính trường nước này.
Còn nhớ ngay sau vụ xả súng tại Trường tiểu học Sandy Hook, thành phố Newtown, bang Connecticut năm 2012 làm 27 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama đã đề xuất lệnh cấm vũ khí tấn công nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực do súng tái diễn. Ông Obama yêu cầu Quốc hội tiếp tục một lệnh cấm vũ khí tấn công đã hết hạn từ năm 2004 và hạn chế các ổ đạn xuống còn 10 viên. Ông cũng kêu gọi các nghị sĩ trang bị thêm cho các cơ quan thi hành pháp quyền hạn để truy tố tội phạm buôn lậu súng. Tuy nhiên, kế hoạch ngăn chặn 11.000 vụ nã súng mỗi năm ở Mỹ của ông Obama lập tức gặp phải sự phản đối từ các chính trị gia ủng hộ súng, chủ yếu là các thành viên của đảng Cộng hòa.
Một cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 8-2017 do NBC News và Wall Street Journal cho thấy, 48% người Mỹ có súng trong nhà của họ. Bên cạnh đó, Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) vẫn duy trì vai trò nền tảng chính trị trong đảng Cộng hòa. Vì thế, trong suốt 2 nhiệm kỳ, ông Obama và đảng Dân chủ thất bại trong việc gia tăng các biện pháp kiểm soát súng đạn là điều dễ hiểu.
Bởi vậy, ngay sau khi vụ thảm sát Las Vegas, lãnh đạo phe Dân chủ Nancy Pelosi đã viết thư cho Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, yêu cầu thành lập một ủy ban soạn thảo một đạo luật mới hợp lý về quyền mang vũ khí. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy đảng Cộng hòa sẵn sàng giải quyết vấn đề này. Còn Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders khi nhận được câu hỏi từ phóng viên về việc kiểm soát súng đạn đã trả lời: “Bây giờ không phải lúc cho một cuộc tranh luận chính trị, mà là lúc đoàn kết toàn dân và hiện còn quá sớm để nói về chính sách khi chúng ta chưa biết rõ mọi chuyện”.
Trong khi đó, nhìn lại quan điểm về kiểm soát súng đạn của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy có những diễn biến khác nhau. Trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000, ông phản đối kiểm soát súng đạn, nhưng cho rằng nên cấm dùng súng trường dài có đặc điểm quân sự. Bên cạnh đó, ông Trump nhận định nên có thời gian chờ đợi dài hơn để được mua một khẩu súng. Đến năm 2012, ông Trump ủng hộ kêu gọi của Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama tăng cường quy định liên quan đến vũ khí sau vụ xả súng tại trường học ở bang Connecticut.
Tuy nhiên, khi ngày càng nghiêm túc đối với việc trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống, lập trường trong việc kiểm soát súng đạn của ông Trump đã thay đổi. Đơn cử, tháng 10-2015, ông Trump khẳng định mình thường mang theo súng ngắn và cho rằng những khu vực cấm vũ khí theo quy định của chính phủ như trường học, nhà thờ là “thảm họa” để trở thành “mục tiêu luyện tập cho những kẻ tâm thần”. Thậm chí, ông Trump cũng đưa quan điểm rằng, câu trả lời cho những vụ xả súng là thêm nhiều công dân tự trang bị vũ khí để bảo vệ mình (?!).
Các nhà quan sát nhận định, đây là thời điểm ông Trump phải thực hiện nghĩa vụ đoàn kết quốc gia sau vụ xả súng được coi là đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, đồng thời phải đưa ra giải thích và đề xuất của bản thân để ngăn những thảm kịch tương tự xảy ra trong tương lai.
Từ những diễn biến đó cho thấy, vụ thảm sát kinh hoàng tại Las Vegas sẽ tiếp tục gây chia rẽ sâu sắc trong công luận và chính trường nước Mỹ về vấn đề kiểm soát súng đạn. Khi chưa có lời giải hữu hiệu, số người Mỹ chết hàng ngày vì súng đạn sẽ tăng lên và không ai khẳng định những vụ thảm sát tương tự không còn xảy ra trong tương lai.
TUYẾT MINH