Vương triều "nội chiến"?

Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud hiện 81 tuổi, thuộc thế hệ cầm quyền thứ hai của Saudi Arabia. Cha ông - cố Quốc vương Abdul Aziz Al Saud là vị vua đầu tiên của Saudi Arabia. Truyền thống và quy định từ xưa tới nay trong Hoàng tộc Saudi Arabia là mọi quyết định lớn đều được thảo luận và biểu quyết trong Hội đồng dòng tộc nhằm bảo đảm sự đồng thuận giữa nhiều chi họ, tránh tranh giành quyền lực đến mức huynh đệ tương tàn.

Thế nhưng, hồi tháng 6 vừa qua, Quốc vương Salman đã hủy bỏ một trong những truyền thống ấy khi phế truất Thái tử là con trai của người anh để đưa con trai của mình, Mohamed bin Salman (32 tuổi), làm Thái tử.

Giới quan sát cho rằng, với động thái nói trên, Quốc vương Salman muốn thâu tóm quyền lực. Và chỉ vài giờ sau khi thành lập Hội đồng chống tham nhũng do chính mình đứng đầu, ngày 5-11 vừa qua, Thái tử Mohamed bin Salman đã ra lệnh bắt 11 hoàng tử, 4 bộ trưởng đương nhiệm, nhiều cựu bộ trưởng, nhiều doanh nhân, trong đó có cả những người được mệnh danh là giàu nhất Saudi Arabia như: tỷ phú Alwaleed bin Talal, Hoàng tử Turki Bin Nasser, “ông trùm” truyền thông Saudi Arabia Waleed al-Ibrahim…

Cũng trong chiến dịch này, theo tờ Al-Masdar News, Hoàng tử Abdul Aziz bin Fahd đã thiệt mạng trong một vụ đấu súng với lực lượng chức năng muốn bắt giữ ông. Cảnh sát xác định Hoàng tử Abdul Aziz dính líu thương vụ làm ăn của Công ty TNHH Saudi Oger thuộc quyền sở hữu của gia đình cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, vốn đã ngừng hoạt động từ hè năm nay.

Tổng chưởng lý Saudi Arabia Sheikh Saud al-Mojeb nhấn mạnh, chiến dịch truy quét này chỉ là giai đoạn một, nhiều bằng chứng đã được thu thập và các cuộc thẩm vấn chi tiết đang diễn ra. Theo quan chức này, cuộc điều tra được tiến hành kín đáo để bảo đảm các đối tượng không thể tẩu thoát. Trong khi đó, sắc lệnh Hoàng gia nêu rõ: Những kẻ tham ô phải bị trừng phạt và Saudi Arabia không thể tồn tại nếu còn tình trạng tham nhũng.

Nếu hiểu theo cách thông thường, từ diễn biến thực tế, dễ dàng nhận thấy đó là cuộc “nội chiến” trong vương triều nhằm đưa một nhân vật được Quốc vương sủng ái từng bước nắm quyền lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Riad Kahwaji cho rằng: “Một số nhân vật giàu có nhất trong thế giới Arab bị bắt giữ là điều không tưởng. Lần đầu tiên chúng ta chứng kiến và nó sẽ gây làn sóng xáo động khắp khu vực”. Saudi Arabia hiện đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử, đó là: giá dầu mỏ giảm khiến thu nhập từ khai thác và xuất khẩu dầu lửa giảm, ảnh hưởng rõ nét đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mức sống của người dân; sa lầy vào cuộc chiến tranh ở Yemen; không thành công với chiến dịch bao vây và trừng phạt Qatar; thất thế trong việc chạy đua quyền lực với Iran ở khu vực; và gần như bị đẩy ra ngoài cuộc trong khủng hoảng ở Syria... Do vậy, thách thức lần này là lớn đối với Thái tử Mohammed bin Salman.

Nhưng ở góc độ khác, như tờ The Guardian (Anh) lý giải, Thái tử Mohammed bin Salman đang thể hiện sẵn sàng đối đầu với các nhân vật quyền lực nhất tại Saudi Arabia để tiến hành cải cách. Ông là tác giả của “Tầm nhìn 2030”, tức chiến lược phát triển để Saudi Arabia hướng tới thời kỳ giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Đồng thời, ông từng khẳng định quyết tâm loại trừ tham nhũng. Các nhà quan sát nhận định, Mohamed bin Salman ý thức rằng, muốn thực hiện thành công “Tầm nhìn 2030”, không chỉ cần mỗi ngai vàng - tức quyền lực hợp pháp về kinh tế, quốc phòng, an ninh, tài chính - mà còn phải nhờ vào sự ủng hộ của dân chúng, nhất là giới trẻ và sự tham gia của giới kinh tế, tài chính bên ngoài... Vì thế, cuộc thanh lọc nói trên là đòn bẩy giúp ông đồng thời đạt được nhiều mục tiêu: chống tham nhũng, thu phục lòng dân và tranh thủ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, dù dư luận trong khu vực và quốc tế vẫn “dè dặt” đánh giá về cuộc chiến chống tham nhũng này của Saudi Arabia, nhưng trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump - đồng minh thân cận của Saudi Arabia - bày tỏ tin tưởng chiến dịch này.

Người dân Saudi Arabia đang lạc quan về chiến dịch mà họ chờ đợi từ lâu. Một chuyên gia kinh tế nước này nhận định: “Ấn tượng đầu tiên là sự hoan nghênh rộng rãi của các nhà đầu tư. Đây là tín hiệu quan trọng và không có ai vượt trên cả luật pháp, dù đó là hoàng tử hay bộ trưởng. Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Saudi Arabia, các hoàng tử, bộ trưởng hoặc cựu bộ trưởng bị bắt. Điều này đưa ra những thông điệp quan trọng cho tương lai”!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.