Đối đầu ở Davos

Hội nghị thường niên lần thứ 48 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) ngày 23-1 để thảo luận các vấn đề nghị sự toàn cầu nổi lên tác động đến sự phát triển của thế giới và các quốc gia.

Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới bị chia rẽ”, nhiều nhà lãnh đạo phát biểu tại WEF kêu gọi biến năm 2018 thành năm của hợp tác đa phương nhằm giải quyết những thách thức quan trọng mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng bố và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi của đất nước gần 1,3 tỷ dân được mời phát biểu khai mạc WEF 2018 nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu là vấn đề đứng đầu danh sách những thách thức chung của thế giới ngày nay, nhưng thế giới mới làm được rất ít để đối phó với mối đe dọa này. Ông Modi kêu gọi các quốc gia hành động chung và hợp tác kinh tế, đồng thời thay đổi tư duy từ “tiêu dùng hoang phí” sang “tiêu dùng tiết kiệm” để tránh khai thác tự nhiên quá mức, đạt được “sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa và chỉ trích sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ.

Báo cáo Rủi ro toàn cầu (Global Risk Report) được Ban tổ chức WEF 2018 công bố chỉ ra nguy cơ đối đầu sâu sắc về chính trị và kinh tế giữa các cường quốc trong năm nay. Một năm qua, thế giới đã xuất hiện những rạn nứt trong các mối quan hệ giữa các cường quốc. Tại Liên minh châu Âu (EU), Anh dứt áo ra đi. Quan hệ Mỹ với các cường quốc như Trung Quốc, Nga đều có những trục trặc về cả chính trị lẫn kinh tế. Quan hệ đồng minh Washington - Brussels cũng không tránh khỏi những khúc mắc, nghi kỵ kể từ khi ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ.

Theo các nhà quan sát, lãnh đạo các nước châu Âu sẽ sử dụng WEF để phản bác ý đồ phá bỏ những luật chơi kinh tế đã được định hình. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đề xuất những giải pháp nhằm rút ngắn hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các nước giàu và nghèo, hay những giải pháp hành động bảo vệ bầu khí hậu chung - chủ đề mà nước Mỹ đã quyết định đứng ngoài cuộc.

Một điều đáng chú ý là trên tờ Les Echos (Pháp) có bài Châu Âu nên thoát khỏi tình trạng ngây thơ khi đối mặt với Trung Quốc và Mỹ của nhà nghiên cứu chính trị Zaki Laidi, thuộc trường Khoa học Chính trị Pháp nhấn mạnh: “Kể từ khi vào Nhà Trắng, hầu như toàn bộ quyết định của Tổng thống Donald Trump đều trái ngược với những nguyên tắc, ưu tiên của châu Âu bởi vì các quyết định này nhằm làm suy yếu cơ chế quan hệ đa phương, được coi là thuộc tính của châu Âu. Câu hỏi đặt ra là châu Âu nên làm gì để đối phó với những cách lập luận của các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc?”.

Một trong những thách thức chính đối với châu Âu hiện nay là mối đe dọa nhắm vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đương nhiên tổ chức này không thể giải quyết hết mọi vấn đề, nhưng Tổng thống Mỹ muốn làm tê liệt WTO, xóa bỏ nguyên tắc công bằng thương mại. Do vậy, châu Âu cần tái khẳng định sự gắn bó với WTO. Nói một cách cụ thể là chiến lược của châu Âu phải dựa trên nguyên tắc đơn giản và vững chắc: bảo vệ châu Âu nhưng không áp dụng bảo hộ.

Nhà nghiên cứu chính trị Zaki Laidi giải thích, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là cái bẫy chết người vì hai lý do: thứ nhất, chính sách bảo hộ sẽ dẫn đến hậu quả, phản ứng dây chuyền. Ngay cả khi ông Trump quyết định nâng cao mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, điều này cũng không làm thay đổi gì. Thứ hai, các biện pháp chống bán phá giá cũng ít hiệu quả. Mỹ đánh thuế chống bán phá giá rất cao đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc, nhưng ngành này của Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nếu bảo hộ mà không tiến hành tái cơ cấu hoặc hiện đại hóa thì các biện pháp bảo hộ sẽ gây ra hậu quả “gậy ông đập lưng ông”.

Đúng như nhận định của Le Monde (Pháp) số ra gần đây, Davos luôn là diễn đàn kinh tế nhưng mang tính chính trị nhất trên thế giới. Các diễn văn của lãnh đạo chính trị mỗi nước, các cuộc tranh luận, trao đổi của giới chuyên gia hay doanh nghiệp ở Davos không thể đưa ra được những giải pháp cụ thể nào cho sự phát triển của kinh tế toàn cầu nhưng chứa nhiều hàm ý cho những mục tiêu chính trị mà các nước theo đuổi.

Dư luận hy vọng WEF 2018 sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu khi các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới và các tổ chức quốc tế xích lại gần nhau trong các quan điểm cũng như những mục tiêu, giải pháp thích hợp.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.