Việc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc trên lãnh thổ Anh hồi đầu tháng 3 làm nóng quan hệ Nga - Anh nói riêng và giữa Nga với phương Tây nói chung trong những ngày qua.
Đối với Anh, ngay sau khi xảy ra vụ đầu độc, mọi hướng điều tra và cáo buộc của London đều nhằm vào Mátxcơva. Thủ tướng Anh Theresa May đòi Nga phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ đầu độc này, hoặc Mátxcơva để cho một chất độc thần kinh rơi vào tay những đối tượng khác, đồng thời ra “tối hậu thư” yêu cầu Nga phải giải thích.
Lập tức quan hệ ngoại giao giữa hai nước “rơi tự do” với hàng loạt động thái: Thủ tướng May tuyên bố đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga, rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thăm Anh, đồng thời trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh.
Hơn nữa, Anh cùng các đồng minh Đức, Pháp và Mỹ đã ra tuyên bố chung, yêu cầu Mátxcơva “trả lời mọi câu hỏi” liên quan; đồng thời, kêu gọi Nga cung cấp cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) báo cáo đầy đủ và toàn diện về điều mà 4 nhà lãnh đạo các nước nói trên gọi là “chương trình chất độc thần kinh Novichok” - chất độc có từ thời Liên Xô cũ. Tuyên bố chung cũng lên án vụ đầu độc, coi đây là “sự tấn công vào chủ quyền Anh và đe dọa tới an ninh của phương Tây”…
Phản ứng trước những động thái của Anh và phương Tây, Nga tuyên bố trục xuất số nhà ngoại giao tương tự, yêu cầu đóng cửa Văn phòng Hội đồng Anh tại Nga cũng như Tổng lãnh sự quán Anh tại St. Petersburg. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, tất cả vũ khí hóa học của nước ông đã được tiêu hủy dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế và Mátxcơva đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia điều tra nhưng đến nay chưa nhận được sự hợp tác từ London.
Ở một khía cạnh khác cũng cho thấy có những nghi ngờ về các cáo buộc của Anh nhằm vào Nga. Là đồng minh của Anh nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cách tiếp cận thận trọng hơn khi đề cập vụ việc này. Bà Merkel một mặt thể hiện sự đoàn kết với London nhưng cũng không quy trách nhiệm trực tiếp vụ đầu độc cho Mátxcơva. Theo bà Merkel, nhiều thông tin điều tra cho thấy có dấu hiệu tham gia của Nga trong vụ đầu độc nên Mátxcơva cần phải chứng minh mình không liên quan.
Các nhà quan sát quốc tế nhận định, dường như có những động cơ tính toán nào đó hơn là một hành động cụ thể. Một thực tế là khi muốn tấn công Iraq, Mỹ cũng đã đưa ra bằng chứng giả về chương trình vũ khí giết người hàng loạt nhằm vào chính quyền Saddam Hussein. Ngay lập tức, Anh đồng tình với cáo buộc của Mỹ, sau đó là một cuộc chiến tranh có toan tính đã diễn ra 15 năm trước đây và hậu quả đến nay vẫn nặng nề.
Nay khi Nga có những bước tăng cường vị thế của mình, nhất là trên chiến trường Syria, thì phải chăng một mưu toan nào đó đang muốn trả đũa, quyết làm suy yếu hình ảnh Nga, nhất là nhằm vào ông Putin trước thời điểm bầu cử?
Thậm chí, có câu hỏi khác không kém phần quan trọng được đặt ra, phải chăng đó là màn dạo đầu của Chiến tranh Lạnh lần 2 giữa Nga (trước đây là Liên Xô) với phương Tây? Bởi lẽ, khi Anh thổi bùng vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc để “đóng băng” quan hệ với Nga thì Washington cũng tăng thêm một nấc gây áp lực bằng việc thông báo một loạt biện pháp mới trừng phạt để trả đũa chuyện Nga can thiệp vào bầu cử năm 2016 và nhiều vụ tin tặc (?!).
TUYẾT MINH