Hơn 70 năm sau Thế chiến thứ hai, vấn đề “phụ nữ mua vui” cho binh lính Nhật vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng ngoại giao giữa quốc gia này với Hàn Quốc. Đây là vết thương chiến tranh ám ảnh quan hệ hai nước.
Theo thống kê, có hơn 200.000 phụ nữ, phần lớn là phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên, đã bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong giai đoạn chiến tranh. Hiện khoảng 30 nạn nhân Hàn Quốc còn sống.
Sau nhiều năm tranh cãi, các cuộc đàm phán song phương giữa hai nước cũng đạt được thỏa thuận vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Park Geun-hye. Theo đó, Nhật Bản đưa ra lời xin lỗi và lập quỹ trị giá 1 tỷ yen (khoảng 9 triệu USD) để hỗ trợ các nạn nhân còn sống. Đổi lại, chính phủ Hàn Quốc nhất trí nỗ lực dỡ bỏ bức tượng trước Lãnh sự quán Nhật Bản ở Busan do những người bảo trợ cho những “phụ nữ mua vui” dựng nên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã bày tỏ “sự hối tiếc và xin lỗi” về những tổn thương mà các nạn nhân phải trải qua.
Tuy nhiên, các ý kiến phản đối cho rằng, thỏa thuận này chưa thể hiện tiếng nói của nạn nhân. Sau khi nhậm chức hồi tháng 5-2017, Tổng thống Moon Jae-in đã xem xét lại thỏa thuận song phương này theo đúng cam kết được ông đưa ra lúc tranh cử. Trong một phát biểu hồi đầu năm 2018, ông Moon nhấn mạnh, “không thể phủ nhận” đây là một thỏa thuận song phương chính thức, nhưng ông cho rằng “nút thắt sai lầm” với Nhật Bản về vấn đề “phụ nữ mua vui” phải được tháo gỡ, theo đó Tokyo phải xin lỗi các nạn nhân. “Nhật Bản nên chấp nhận sự thật và đưa ra lời xin lỗi chân thành, coi vấn đề “phụ nữ mua vui” là một bài học và phối hợp với cộng đồng quốc tế để những sự việc như vậy không tái diễn”, ông Moon nói.
Mới đây, ngày 26-2, phát biểu trước các quan chức cấp cao của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha tiếp tục cho rằng, thỏa thuận nói trên “thiếu cách tiếp cận đặt các nạn nhân vào trung tâm”.
Trước đó, chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in cũng tuyên bố đã phát hiện nhiều thiếu sót trong quá trình đàm phán diễn ra dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye. Cụ thể, nhóm quan chức và chuyên gia Hàn Quốc có nhiệm vụ rà soát thỏa thuận đã công bố báo cáo điều tra cho biết, chính phủ dưới thời bà Park Geun-hye đã che giấu một phần của thỏa thuận nhằm tránh bị chỉ trích về những nhượng bộ bí mật của Seoul với Nhật Bản, đồng thời không nỗ lực đầy đủ trong việc lắng nghe các nạn nhân trước khi ký kết thỏa thuận. Đồng thời, Hàn Quốc đã công bố chính sách mới về thỏa thuận này, khẳng định không tìm cách đàm phán lại thỏa thuận nhưng muốn Tokyo làm nhiều hơn để bù đắp cho các nạn nhân còn sống.
Phản ứng trước những diễn biến nói trên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố không chấp nhận những phát biểu của Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ông Suga nhấn mạnh, Nhật Bản cùng Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận song phương và theo nguyên tắc quốc tế mang tính phổ quát là những thỏa thuận như vậy cần phải được thực hiện một cách có trách nhiệm ngay cả sau khi có sự thay đổi chính phủ.
Thủ tướng Abe cũng đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Moon cho rằng Tokyo cần cải thiện quan hệ song phương bằng lời xin lỗi chân thành. Ông không chấp nhận đề nghị đơn phương của Hàn Quốc về việc thực hiện những biện pháp bổ sung cho thỏa thuận được ký hồi cuối năm 2015 về giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui”. Bởi lẽ, với Nhật Bản, việc đóng góp 1 tỷ yen là đủ để bù đắp cho các nạn nhân. Vì vậy, quan hệ giữa hai nước láng giềng vẫn bị “phủ bóng” vì một vấn đề từ thời chiến tranh và không dễ để gỡ bỏ vướng mắc dai dẳng này.
TUYẾT MINH