Thế giới "nóng" về chuyện thuế

Những ngày qua, cả thế giới bùng cháy những cơn phẫn nộ xung quanh về chính sách thuế của một số nước. Khởi đầu là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu của tất cả các nước để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Đây là một trong những bước đi để thực hiện mục tiêu “nước Mỹ trên hết” mà ông Trump đã đề ra trong quá trình vận động tranh cử và thực hiện khi bước chân vào Nhà Trắng.

Ngay lập tức, các tổ chức quốc tế và các quốc gia đồng minh lẫn nhiều nước khác phản đối động thái của Mỹ. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) liên tục khuyến cáo Nhà Trắng tránh dùng các biện pháp bảo hộ thương mại làm phương hại tới tăng trưởng của toàn cầu và trên phương diện nào đó tác động xấu tới bản thân nước Mỹ.

Úc - một trong những nước có nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho Mỹ - cũng cho rằng một khi xảy “chiến tranh thương mại” giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới “sẽ làm suy yếu đà tăng trưởng của toàn cầu”.

Liên minh châu Âu (EU) dọa “đáp trả tương xứng” và đã chuẩn bị danh sách một loạt các mặt hàng của Mỹ nhập sang châu Âu sẽ bị áp thuế. Ngày 7-3, Bộ trưởng Tài chính Đức Brigitte Zypries mô tả rằng, “tình tình hiện nghiêm trọng”, đồng thời bày tỏ mong muốn ông Trump sẽ thay đổi quan điểm và xem xét lại việc áp thuế. “Châu Âu sẽ sẵn sàng phản ứng phù hợp. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là tránh chiến tranh thương mại”, bà Zypries nói.

Còn Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của Mỹ - khẳng định sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu của nước này.

Ngay trong chính nước Mỹ cũng dấy lên làn sóng phản đối quyết định của Tổng thống Trump. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thừa nhận những lo ngại về khả năng bùng phát cuộc chiến thương mại. Để xoa dịu dư luận, trong phát biểu trước Tiểu ban Phân bổ ngân sách Hạ viện Mỹ, ông Mnuchin cho biết đang liên hệ với các đối tác về một số chi tiết cụ thể trong đề xuất thuế và sẽ “cố gắng xử lý trên cơ sở từng trường hợp”. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan đề nghị Tổng thống Trump chọn cách tiếp cận thận trọng nhằm vào mặt hàng thép, nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác. Thậm chí, ông Gary Cohn -“kiến trúc sư trưởng” kế hoạch cải tổ chính sách thuế năm 2017 của Tổng thống Trump và là người phản đối mạnh mẽ các lực lượng ủng hộ chính sách bảo hộ trong chính phủ đương nhiệm - đã tuyên bố từ chức.

Liên quan vấn đề thuế, ngay tại EU cũng đang dậy sóng. Cụ thể, 7 nước thành viên là Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Hungary, Cộng hòa Ireland, Luxembourg, Malta và Hà Lan sẽ phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ từ khối này về các chính sách thuế “thô bạo” của họ gây ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia thành viên khác. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sớm đưa ra một đánh giá gay gắt về chính sách thuế tại một số nước EU trong báo cáo thường xuyên về các nền kinh tế quốc gia thành viên. EU cáo buộc các hành vi của các nước này làm suy giảm tính công bằng và sự bình đẳng về cơ hội trong thị trường nội khối và tăng gánh nặng về đóng góp tài chính của EU. Phần lớn các nước trong danh sách trên bị cáo buộc tiếp tay cho các tập đoàn đa quốc gia, thông qua những chính sách thuế phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp như Google, Apple hay Facebook chuyển đi những khoản lợi nhuận và tránh được những khoản tiền thuế khổng lồ.

Đây là lần đầu tiên EC nhấn mạnh về vấn đề áp dụng chính sách thuế “thô bạo” tại 7 nước thành viên, một dấu hiệu cho thấy những bất đồng trong nội khối.

Những diễn biến trên cho thấy, vấn đề chính sách thuế đang trở nên nóng bỏng ngay khu vực châu Âu; hơn nữa, có nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại trên quy mô toàn cầu khi Mỹ áp dụng mức thuế cao đối với nhôm và thép.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.